KHI NỮ CÔNG GIA CHÁNH KHÔNG CHỈ CÒN LÀ “NỮ”

KHI NỮ CÔNG GIA CHÁNH KHÔNG CHỈ CÒN LÀ “NỮ”

Trong quan niệm về gia đình, việc nhà dường như được mặc định chỉ dành cho phái nữ. Các nhu yếu phẩm, sản phẩm nội trợ và gia đình được thiết kế và quảng cáo “dành cho các BÀ nội trợ”. Không khó để nhìn thấy những biển quảng cáo ngoài đường được thiết kế với hình ảnh người phụ nữ mặc tạp dề, nấu cơm đợi chồng đi làm về.

Tuy nhiên, thời đại thay đổi, những vai trò của các giới trong gia đình cũng thay đổi. Đàn ông không còn phải là lao động duy nhất với những nghĩa vụ tài chính trong gia đình nữa. Tương tự, công việc chăm sóc không lương (unpaid care work) như chăm con, nấu cơm, rửa bát, dọn nhà cũng không mặc định được dành cho phụ nữ. Cả hai giới đều đang tạo ra những sự thay đổi cho một môi trường gia đình bình đẳng, san sẻ và hạnh phúc hơn.

🔒 NHỮNG CHIẾC GÔNG CÙM MẠ VÀNG SON CỦA NỮ CÔNG GIA CHÁNH – “ĐẢM VIỆC NƯỚC GIỎI VIỆC NHÀ”

Từ xưa đến nay, quan niệm “nữ công gia chánh” vẫn luôn đè gánh nặng và áp lực vô hình của việc phụ nữ vừa phải giỏi việc nước (nữ công), vừa phải đảm việc nhà (gia chánh) cũng như trở thành một thước đo bất hợp lý để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ.

Như vậy, “nữ công gia chánh” đã trở thành một môn học chỉ dành cho phái nữ. Năm 2021, trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa) được chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường. Quyết định này vướng phải nhiều bình luận và ý kiến trái chiều từ cộng đồng, nhất là khi phát ngôn của cô D.H, Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh – nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, lên mặt báo:

“Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, một lượng lớn nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi là người phụ nữ của gia đình. Do vậy phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh là hết sức cần thiết và cấp bách.” [1]

Nhiều người cho rằng chính sách này là một minh chứng cho việc những quan niệm phân biệt giới, những khuôn mẫu giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở ngay trong môi trường học đường. Phương pháp giáo dục này quy chụp trách nhiệm thực hiện công việc chăm sóc này lên nữ giới, gián tiếp khắc họa những quan niệm lỗi thời về gia đình và công việc chăm sóc không lương trong gia đình.

Giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hoá và phẩm chất truyền thống tốt đẹp là điều nên làm. Tuy nhiên, điều đó không nên chỉ là trách nhiệm của riêng nữ sinh, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi giá trị cá nhân lên cao và những vấn đề về giới dần được nhận thức rõ nét hơn.

⚡ NHỮNG ÔNG BỐ THẾ HỆ MỚI

Sự ủng hộ và tham gia của nam giới, của những người chồng người cha trong gia đình là không thể thiếu trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới, cho việc phụ nữ không còn bắt buộc phải “giỏi việc nước đảm việc nhà”, cho người phụ nữ không còn phải làm những công việc ngoài giờ không lương một cách bắt buộc trong chính tổ ấm của mình.

Báo cáo Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập năm 2018 – 2019 của Viện nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) đã cho thấy: ở khu vực đô thị, có 38,8% nam giới ở độ tuổi 18-29 đã chia sẻ việc nấu ăn với vợ mình so với tỷ lệ 24,2% ở những nam giới từ 60 tuổi trở lên; ở khu vực nông thôn, tỷ lệ tương ứng là 29,4% và 18,1%. Đây là những dấu hiệu cho thấy đã có sự chuyển đổi tích cực so với phân công lao động truyền thống khi tỉ lệ nam giới tham gia vào phân công lao động trong gia đình gia tăng. [2]

Mới đây, Anh Bạn Thân Trị Nguyễn đã có một bài viết về những ông bố thế hệ mới nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng mạng, trong đó viết rằng: “Nếu ai đó nói chúng tôi đang làm việc của đàn bà, không sao cả. Vì gia đình của tôi không chia công việc theo giới tính, không phán xét xem ai làm nhiều hơn, không mặc định áo vest cho tôi và tạp dề cho vợ. Chúng tôi mặc vest khi thay tã và đeo tạp dề gõ vội trên bàn phím để cùng xây dựng một mái nhà nơi bé con lớn lên trong tình yêu, niềm tự hào, và sự đồng hành của ba, và của mẹ.” [3]

TẠM KẾT

Nam giới đã và đang là một trong những nhân tố quyết định để “nữ công gia chánh” không còn chỉ là “nữ”.

Có thể thấy, hình ảnh cũng như vai trò của những ông bố, những người chồng trong gia đình đang dần thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều gia đình hiện đại đang có những bước tiến lớn trong việc phân chia những công việc trong gia đình một cách bình đẳng. Nấu ăn, rửa bát, chăm con không phải là việc của riêng những người vợ, người mẹ, cũng như làm công việc được trả lương không chỉ là nhiệm vụ của riêng người cha.

Hơn hết, việc xây dựng một gia đình và dạy dỗ con cái giờ đây không còn chỉ dựa vào đóng góp của chỉ một người hay một giới, mà của cả những người cùng chung sống trong một gia đình. Bởi, “việc nhà chẳng của riêng ai, tại sao lại chỉ nữ công ztr?”

👉 Bạn nghĩ sao về việc chia sẻ công việc nhà không lương trong gia đình? Hãy cùng bàn luận với Genderation nhé!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/tai-sao-hue-khoi-phuc-mon-nu-cong…

[2] https://isds.org.vn/…/nam-gioi-va-nam-tinh-trong-mot…/

[3] https://www.facebook.com/photo/?fbid=848486549972377&set=a.337854764368894

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính