MẠNG XÃ HỘI – NƠI CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ BỊ LÃNG MẠN HÓA

MẠNG XÃ HỘI – NƠI CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ BỊ LÃNG MẠN HÓA

Thế kỷ 19, có một xu hướng kỳ lạ, đó là ca ngợi bệnh lao, một căn bệnh nguy hiểm thời đó. Mặc cho tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao, đám đông đã lãng mạn hóa căn bệnh này vì vẻ ngoài “đẹp một cách yếu ớt” của người bệnh. Các triệu chứng bệnh như da nhợt nhạt và sụt cân phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp thời điểm đó, dẫn đến nhiều người thậm chí chủ động mắc bệnh như một cách để bắt kịp xu hướng làm đẹp [1]. 🤕

Xu hướng tương tự đang xảy ra trong thời hiện đại, đó chính là vấn đề lãng mạn hóa (romanticize) các bệnh/vấn đề tâm lý trên không gian mạng xã hội, nở rộ trong thập kỷ vừa qua, và đặc biệt là gần đây sau ảnh hưởng của giai đoạn cách ly do đại dịch Covid-19.

Gần đây xã hội đã có những bước tiến quan trọng trong việc đánh giá tầm quan trọng và nỗ lực điều trị các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người ca ngợi và lãng mạn hóa sự đau khổ, biến nó thành một thứ gì đó mang tính thẩm mỹ và đáng mơ ước.

VẤN ĐỀ TÂM LÝ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Có một thực trạng ngày nay là các vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu, sợ xã hội, trầm cảm, chứng mất ngủ, … đang xuất hiện ngày càng phổ biến và được lãng mạn hóa trên không gian mạng xã hội.

Bắt nguồn từ Tumblr, rồi Instagram và giờ đây là Tiktok, từ khóa “vấn đề tâm lý” dường như được bình thường hóa, trở thành một xu hướng, một nhãn hiệu định danh giới trẻ, giống như một giai đoạn mà ai cũng phải trải qua trong quá trình trưởng thành của mình.

Các nội dung về vấn đề tâm lý thường xuất hiện trên mạng xã hội dưới dạng những bức ảnh đen trắng đi kèm câu quote có vẻ sâu sắc, nhắc đến hoặc ẩn dụ về các vấn đề tâm lý, được gắn hashtag #mental-issues, #depression, #self-harm #anxiety, v.v.

Các vấn đề tâm lý được khắc họa một cách thiếu thực tế trên mạng xã hội như một điều gì đó đẹp đẽ, cuốn hút, bí ẩn và sâu sắc trong khi những người gặp khó khăn nghiêm trọng với vấn đề tâm lý của họ được miêu tả là “đẹp một cách bi thảm”. Điều này dẫn đến những trường hợp lạm dụng vấn đề tâm lý để thu hút sự chú ý và làm hài lòng nhận thức có phần lệch lạc của cá nhân.

Xu hướng này đặc biệt gây ảnh hưởng ở đối tượng là các thiếu nữ, khi khai thác và phóng đại vẻ đẹp nữ tính, mong manh và gai góc trong nỗi buồn và các tổn thương tâm lý [2]. Hình ảnh “cô gái trẻ buồn bã” thậm chí đã trở thành trào lưu thẩm mỹ (aesthetic) phổ biến, thể hiện qua phong cách thời trang hay makeup. Giờ đây, cùng với sự phát triển của TikTok và sự cởi mở đối với các nhà sáng tạo nội dung, những xu hướng như “melancholy girl” hay “sad girl Tumblr” nở rộ năm 2014 đang quay lại thịnh hành một lần nữa.

Siêu mẫu Bella Hadid từng đăng tải những bức ảnh chính của cô khi khóc trong giai đoạn suy sụp lên instagram, với mục đích chia sẻ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, những phản ứng ngược đã xảy ra: chứng lo âu (anxiety) cô được nhiều thiếu nữ ngưỡng mộ và “crying girl makeup” trở thành một xu hướng nổi tiếng.

LĂNG KÍNH LÃNG MẠN HÓA…

Trước mạng xã hội, phim ảnh và âm nhạc chính là những phương tiện đầu tiên phản ánh và phóng đại quan điểm về các vấn đề tâm lý và biểu hiện của chúng. Từ những bộ phim kinh điển như ’Breaking Bad’, ‘Girl, Interrupted’… hay gần đây có thể kể đến Blonde, 13 Reasons Why, … Trong âm nhạc, với các nghệ sĩ tiêu biểu như Lana del Rey, Arctic Monkeys hay Lorde, các đề tài u sầu, gai góc và đen tối xoay quanh ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm, được khai thác và trở nên phổ biến trong giới trẻ.

Thực trạng này góp phần thúc đẩy ý tưởng rằng các vấn đề tâm lý là một cách thể hiện bản thân hơn là một vấn đề nghiêm túc. Liên tục tiếp xúc với những nội dung lãng mạn hóa các vấn đề tâm lý như trên ở trên mạng xã hội có thể khiến người trẻ cảm thấy khao khát trở thành cá nhân có “nội tâm phức tạp và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống”. Vấn đề tâm lý có thể được lạm dụng như những phụ kiện để làm tính cách của một người trở nên thú vị hơn. Chưa kể khi ấy, những năng lượng vui vẻ và tích cực có thể bị cho là ngây thơ, nông cạn (?)

Sự xuất hiện phổ biến của những nội dung này trên mạng xã hội cũng như sự khắc họa thiếu thực tế khiến nhiều người có xu hướng đánh đồng các biểu hiện phổ thông với dấu hiệu của một số hội chứng, vấn đề tâm lý. Họ có thể tự trầm trọng hóa các cảm xúc của mình rồi kết luận rằng bản thân đang mắc phải một vấn đề tâm lý nào đó. Những trạng thái tạm thời như: tiêu cực, mệt mỏi, chán nản, … đều có thể bị ngộ nhận cho là biểu hiện của một chứng bệnh tâm lý.

Những người trẻ, đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, cũng là nhóm thiếu trải nghiệm và nhận thức về bản thân, dễ bị thuyết phục và sa đà vào những ý tưởng như vậy. Theo một cách nào đó, họ định hình các quan điểm và giá trị của bản thân qua nỗi buồn, chạy theo các nội dung như vậy trên mạng xã hội chỉ để tìm kiếm sự công nhận và cảm giác thuộc về một cộng đồng nhất định. Biểu hiện này phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều nhất đối các thiếu nữ.

… VÀ SỰ THẬT PHÍA SAU

Sự thật là vấn đề tâm lý không “đẹp đẽ” và cũng không khiến bạn hấp dẫn hơn. Đó là các trải nghiệm tâm lý và thể chất đau đớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và các mối quan hệ của một người. Việc lãng mạn hóa chúng trên mạng xã hội có thể gây ra những hệ quả đa dạng.

Thứ nhất, thay vì phá bỏ sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tinh thần, xu hướng này có thể gây ra những hiểu nhầm và nuôi dưỡng quan niệm sai lầm về sức khỏe tinh thần. Khi bám víu vào những hình dung như vậy, trải nghiệm và sự đau khổ của con người bị hạ thấp. Không chỉ vậy, vấn đề về sức khỏe tinh thần dễ bị xem nhẹ và mất đi tính nghiêm trọng bởi nó phổ biến và xuất hiện một cách thiếu kiểm soát trên mạng xã hội.

Thứ hai, xu hướng này có thể dẫn đến việc vô hiệu hóa những người mắc bệnh đó nhưng không trải qua những điều tương tự. Đáng nói, trên mạng xã hội, những người với vấn đề tâm lý “trông đẹp kể cả khi đang trải qua một cuộc suy sụp”. Những người thực sự vật lộn với vấn đề tâm lý của bản thân có thể cảm thấy bị xúc phạm, hoặc bối rối, hay bị cô lập hơn nếu không tìm thấy mình trong các biểu hiện phổ biến và thiếu thực tế trên mạng xã hội [3].

Thứ ba, lãng mạn hóa các vấn đề tâm lý khuyến khích việc đắm chìm trong trạng thái tiêu cực, làm giảm nhu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị. Trong trường hợp nghiêm trọng, hệ quả có thể gây ra là hành vi tự làm hại bản thân. Series Netflix nổi tiếng “13 reasons why” (2017) kể câu chuyện về vụ tự sát của một nữ sinh trung học theo góc nhìn có phần lãng mạn hóa trải nghiệm của nhân vật. Theo báo cáo, các tìm kiếm trên Google liên quan đến tự tử, đáng báo động là cụm từ “làm thế nào để tự tử” đã tăng 26% sau khi bộ phim được phát hành. Cùng với đó, nghiên cứu của Học viện tâm thần học vị thành niên Hoa Kỳ đưa ra kết luận: tỷ lệ tự tử của thanh niên từ 10 đến 17 tuổi đã tăng 29% [4].

TẠM KẾT:

Mạng xã hội cho phép sự kết nối giữa những người có trải nghiệm tương tự, do đó phần nào giúp loại bỏ sự kỳ thị xung quanh các vấn đề tâm lý, mở ra một không gian an toàn và cởi mở hơn để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm. Đây có thể được coi là một trong những cách mà người trẻ ngày nay đối mặt với các vấn đề của bản thân, nhìn nhận những tổn thương một cách nhẹ nhàng và bao dung hơn.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thể khuếch tán những tiêu cực, tạo ra những hiệu ứng phụ gây hại không chỉ cho cộng đồng nói chung mà còn đối với chính những người đang thực sự vật lộn với các vấn đề tâm lý.

Nhiều khán giả cho rằng ấn tượng đọng lại về nữ chính của 13 Reasons Why là những phân cảnh khóc một cách xinh đẹp, hơn là ký ức về tính cách và con người của cô ấy. Có nhiều thứ có thể kể về một con người hơn là chỉ những vấn đề của họ. It’s okay to not be okay, but it’s also okay to be okay!

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính