TẠI SAO CHÚNG TA TẶNG QUÀ CHO NỮ GIỚI VÀO NHỮNG NGÀY CỦA PHỤ NỮ?

TẠI SAO CHÚNG TA TẶNG QUÀ CHO NỮ GIỚI VÀO NHỮNG NGÀY CỦA PHỤ NỮ?

image 13

#fact_chùa

Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) đã sắp đến gần, đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng yêu thương và sự tôn vinh dành cho những người phụ nữ xung quanh. Và hoạt động dễ nhận thấy nhất trong ngày này có lẽ là việc tặng quà cho nữ giới. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta lại phải tặng quà? Và việc tặng quà có thực sự là điều tốt nhất có thể làm cho phụ nữ hay không? Tất cả sẽ được Genderation Vietnam giải đáp qua bài viết này.

LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA VIỆC TẶNG QUÀ

Tặng quà có thể được xem như một trong những hoạt động có tính cổ xưa nhất của con người. Từ thời tiền sử, việc tặng quà cho một người khác đã được xem như một hành động để thể hiện tình cảm. Những món quà có thể chỉ đơn giản là mảnh đá, cành khô, hay răng thú. Khi công cụ phát triển hơn thì những món quà cũng trở nên cầu kỳ hơn như vòng cổ, vòng tay.

Khi con người tiến tới các nền văn minh phát triển hơn, ý nghĩa việc tặng quà cũng khác đi tùy thuộc vào nền văn hóa. Ở La Mã cổ đại, người ta thường tặng cho nhau những đồng xu cho nhau thay cho lời chúc may mắn. Trong thời kỳ Trung cổ, quà cáp thường được dâng lên vua chúa và quý tộc với mong muốn nhận được sự sủng ái, hoặc có thể được dùng như một minh chứng cho sự thiện chí vào lúc chiến tranh [1]. Còn ở thời hiện đại, chúng ta thường tặng quà cho nhau vào những dịp lễ đặc biệt hoặc ngày kỉ niệm như một cách để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm của mình với đối phương.

TẠI SAO CÓ NHỮNG NGÀY DÀNH CHO PHỤ NỮ?

Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là ngày lễ kỷ niệm được tổ chức lần đầu tiên năm 1909 tại New York để tưởng tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mặc Quốc tế. Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, dương lịch là ngày 8 tháng 3 năm 1917, tại Saint Petersburg, các phụ nữ Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì, đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận, và đòi chấm dứt chế độ Sa hoàng. Ngày 8/3 sau đó được phổ biến và trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia tại Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa cho đến khi được Liên Hợp Quốc thông qua và trở thành ngày lễ quốc tế chính thức vào năm 1975 [2]. Ở một số quốc gia, ngày này là ngày để biểu tình; ở những quốc gia khác, ngày này là ngày tôn vinh nữ giới.

Ở Việt Nam, bên cạnh ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) còn có ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Đây là ngày lễ kỉ niệm sự thành lập của Hội Liên hiệp Phụ nữ vào ngày 20/10/1930. Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” [3].

TẶNG QUÀ VÀO NGÀY PHỤ NỮ, NÊN HAY KHÔNG?

Chúng ta cần phải hiểu rằng, những ngày dành riêng cho nữ giới xuất hiện là bởi ý nghĩa lịch sử và văn hóa của những cuộc đấu tranh của phụ nữ chống lại áp bức và bất công, chứ không phải một “thủ tục” bắt buộc để ép đàn ông phải mua quà cho phái nữ. Việc tặng quà cần phải xuất phát từ lòng thực tâm và sự chân thành, bởi lẽ bản thân việc tặng quà cũng không phải là chuẩn mực hay nhất định phải tuân theo trong những ngày lễ này.

Nếu chỉ tặng quà vì “ai cũng làm vậy” trong ngày này, hay sử dụng những món quà như một phương thức để hợp thức hóa sự hy sinh của nữ giới, và rồi tiếp tục duy trì những định kiến giới đối với phụ nữ trong những ngày còn lại trong năm, thì hành động tặng quà hoàn toàn mất đi ý nghĩa của nó. Ngoài ra, việc tặng quà cho phụ nữ với tâm thế duy trì những diễn ngôn về nữ giới như “phụ nữ là để yêu thương” hay “người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” hoàn toàn có thể vô tình đóng khung người phụ nữ và rơi vào sự phân biệt giới thiện cảm (mà Genderation đã từng nhắc tới ở những bài viết trước).

Tôn trọng phụ nữ, thúc đẩy phong trào bình đẳng giới, và tham gia vào việc xóa bỏ định kiến giới chính là những hành động thiết thực nhất dành tặng cho nữ giới. Và không chỉ riêng trong ngày phụ nữ, mà đây là những việc nên làm vào mọi thời điểm. Bởi chúng ta không cần chờ đến một ngày lễ trong năm để bắt đầu tôn trọng phụ nữ.

Nguồn tham khảo:

[1] The Origins and History of Gift Giving | Curious History

https://www.curioushistory.com/the-origins-and-history…/

[2] History of International Women’s Day | International Women’s Day

https://www.internationalwomensday.com/…/The-history-of…

[3] Ý nghĩa, lịch sử ngày 20/10 ngày phụ nữ Việt Nam | VTC News

https://vtc.vn/y-nghia-lich-su-ngay-phu-nu-viet-nam-20-10…

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính