3 Cách Nhận Biết Định Kiến Giới

3 Cách Nhận Biết Định Kiến Giới

Có những câu nói hoặc quan niệm mang định kiến và khuôn mẫu vẫn được sử dụng hàng ngày trong các cuộc trò chuyện từ ngoài đời thực cho đến trên mạng xã hội hay các chương trình truyền hình, nhưng lại được coi là bình thường và không mấy ai đặt nghi vấn cho nó. Có thể đó là do những định kiến ấy đã tồn tại quá lâu và được bình thường hóa trong xã hội hiện nay nên không mấy ai mảy may nghĩ rằng có điều gì bất hợp lý với chúng. Hoặc có bao giờ bạn ngờ ngợ cảm thấy có cái gì đó sai sai trong một hoàn cảnh có liên quan đến giới nhưng lại không biết chắc tại sao?

Có những câu nói hoặc quan niệm mang định kiến và khuôn mẫu vẫn được sử dụng hàng ngày trong các cuộc trò chuyện từ ngoài đời thực cho đến trên mạng xã hội hay các chương trình truyền hình, nhưng lại được coi là bình thường và không mấy ai đặt nghi vấn cho nó. Có thể đó là do những định kiến ấy đã tồn tại quá lâu và được bình thường hóa trong xã hội hiện nay nên không mấy ai mảy may nghĩ rằng có điều gì bất hợp lý với chúng. Hoặc có bao giờ bạn ngờ ngợ cảm thấy có cái gì đó sai sai trong một hoàn cảnh có liên quan đến giới nhưng lại không biết chắc tại sao?

Hôm nay Genderation sẽ gợi ý cho bạn 3 cách nhận biết định kiến giới.

01

CÁCH 1: NHIỄM SẮC THỂ HOẶC TUYẾN SINH DỤC, BỘ PHẬN SINH DỤC CÓ QUY ĐỊNH VAI TRÒ VÀ TÍNH CHẤT ĐÓ KHÔNG?

Khi đọc một ý kiến hoặc nhận định về tính chất, bản chất, hay vai trò của một giới tính. Hãy dừng lại vài giây và tự hỏi rằng “nhiễm sắc thể hoặc tuyến sinh dục, bộ phận sinh dục có thực sự quy định vai trò và tính chất đó không”. Nếu câu trả lời là không, thì đó là định kiến giới.

Hãy cùng thử nhìn vào một số niềm tin phổ biến mà nếu chỉ cần gõ từ khóa “đàn ông” hay “phụ nữ” trên Google là có thể thấy một loạt đề xuất tìm kiếm: “đàn ông phải là trụ cột gia đình”, “đàn ông phải làm ra tiền”, “đàn ông phải mạnh mẽ”, “phụ nữ phải biết nấu ăn”, “phụ nữ phải biết làm đẹp”.

Những vai trò và khả năng như làm ra tiền hay nấu ăn không hề được quyết định bởi nhiễm sắc thể hay bộ phận sinh dục của một người. Ai cũng có thể làm, và cũng cần phải làm những điều đó để duy trì cuộc sống. Phụ nữ cũng có thể là trụ cột gia đình chứ không nhất thiết là đàn ông, hoặc trong gia đình có thể có hai cây cột chứ không nhất thiết chỉ được phép có một. Cũng như mạnh mẽ không nhất thiết của riêng nam giới hay bắt buộc nam giới phải luôn luôn như vậy. Làm đẹp cũng không nhất thiết của riêng nữ giới, và nữ giới có quyền chọn không làm như vậy. Sự thật là đó đều là những niềm tin chủ quan được thêu dệt nên và được hình thành sau những diễn biến về kinh tế và văn hóa, chứ không hề được quyết định bởi nhiễm sắc thể hay bộ phận sinh dục. 

02

CÁCH 2: HOÁN ĐỔI GIỚI TÍNH

Hãy thử hoán đổi lại giới tính trong câu nói hoặc tình huống bạn vừa gặp. Nếu sau khi hoán đổi thấy nó buồn cười, thấy nó ngớ ngẩn và bất hợp lý, thì nhiều khả năng là có yếu tố khuôn mẫu giới trong câu nói đó. Lý do là bởi một nhận định hay tình huống nếu vốn không có thiên kiến thì phần lớn sẽ đúng với tất cả các giới tính chứ không chỉ đúng với một giới tính nhất định. Có những chuyện mình nghe quen tai rồi nên không chớp mắt, nhưng chỉ cần hoán đổi lại thôi là có thể thấy được điểm bất hợp lý.

Chúng ta sẽ cùng thực hành với một câu nói của một doanh nhân được báo đài đăng khá nhiều cách đây không lâu: “Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ”. Hoán đổi lại sẽ là “Phụ nữ cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung hãy để cho đàn ông”. Bạn có thấy nó nghe kỳ kỳ không? Mạnh mẽ và bao dung là hai phẩm chất mà bất kỳ giới tính nào cũng có thể có và nên có, đâu phải là của riêng của giới tính nào.

“Sự “bao dung” và “mạnh mẽ” phải là các yếu tố trong nhân cách và xử thế của mỗi con người. Tuỳ từng xã hội, môi trường sống, tùy từng sự việc và tuỳ từng đối tượng cụ thể mà mỗi chúng ta phải lựa chọn mạnh mẽ hay bao dung. Ví dụ, làm một người cha hay một ông sếp mà không bao dung thì cầm chắc thất bại. Làm một người mẹ hay một bà quản lý mà không đủ mạnh mẽ thì sự nghiệp gia đình cũng như công sở tiêu tan.

Như tôi đã nói trong một bài viết trước, điều chúng ta có thể làm là loại bỏ “giới/ giới tính” ra khỏi những phẩm chất của con người. “Mạnh mẽ” không nhất thiết phải bị nhét cho cái mác nam tính, và “bao dung” không nhất thiết phải bị chụp cho cái mác nữ tính.

Những phẩm chất ấy ai cũng cần có, thì nó phải có tính “lưỡng giới” hay “vô giới”, chứ sao lại là tính nam hay tính nữ?.” – Trích đoạn phân tích của TS Nguyễn Phương Mai trên trang Facebook Hoán đổi giới tính.

03

CÁCH 3: NHẬN BIẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP VƠ ĐŨA CẢ NẮM

Nếu nghe được những câu nói nhận định chủ quan với mẫu câu quen thuộc đàn ông thì thế này, đàn bà thì thế kia, thì hẳn đó là những câu vơ đũa cả nắm. Trên thế giới này có gần 4 tỷ đàn ông, gần 4 tỷ đàn bà, theo thống kê dân số thế giới, sống ở biết bao những nơi khác nhau, lớn lên trong những hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, chứ làm gì có một khối đàn ông hay một khối đàn bà giống hệt nhau được sản xuất hàng loạt? Tại sao lại gộp chung hết họ với nhau?

Mỗi khi gặp một cá nhân, hãy nhìn vào bản thể con người họ như một cá nhân duy nhất, bỏ qua những cái mác như là “con trai”, “con gái”, “yêu con trai” hay “yêu con gái”. Những thuộc tính đấy chỉ cho chúng ta định kiến thôi. Nó không thể hiện phẩm chất hay chất lượng của con người đó ra sao. Hãy tự mình quan sát và tìm hiểu về mỗi cá nhân bằng chính trải nghiệm trực tiếp của mình. Hãy tiếp xúc với họ và xem họ có tính cách gì, họ là con người thế nào, có điểm mạnh gì, có ước mơ trở thành người như thế nào, chứ đừng vội gắn mắc cho họ rồi giả định rằng họ có những tính chất thuộc về cái mác mình vừa gắn lên họ.

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính