Top reaction (phản ứng điển hình) của người lớn khi thấy:
Con trai rửa bát: “Ôi giỏi quá”, “Đúng là một người đàn ông đảm đang, biết giúp đỡ mẹ quá nè.”
Con gái rửa bát: “Con gái con đứa nấu cơm rửa bát dần cho quen”, “Con gái lớn rồi ăn xong tự động rửa bát nha”
Hmmmm.
Hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu với một trong những tình huống dễ bắt gặp tiêu chuẩn kép nhất: rửa bát.
Tại những bữa tiệc, buổi liên hoan gia đình, thường phụ nữ sẽ nấu cơm rửa bát, đàn ông thì thong thả ngồi ăn và tán chuyện. Mẫu câu mời chào phổ biến của những quảng cáo mặt hàng máy rửa bát: “Bạn yêu vợ của mình, muốn vợ đỡ vất vả hơn? Hãy mua máy rửa bát của cho cô ấy!”…
Rửa bát chỉ là một công việc mang tính biểu tượng khi nói về việc nhà. Vấn đề bàn luận thực sự ở đây là trách nhiệm việc nhà và những tiêu chuẩn kép xoay quanh nó nói chung.
VIỆC NHÀ CÓ GIỚI TÍNH KHÔNG?
Phụ nữ thường được gán cho trách nhiệm việc nhà, không phải vì họ sinh ra đã làm việc đó giỏi hơn nam giới. Chẳng có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho điều này cả. Khẳng định một cách mỉa mai, việc nhà KHÔNG có giới tính.
Nguyên nhân cho tiêu chuẩn kép không nằm ở khía cạnh năng lực mà xuất phát từ góc nhìn mang tính phân biệt giới. Quan điểm “đàn ông làm việc lớn, đàn bà làm việc nhà” đã phát triển qua một thời kỳ lịch sử mà phụ nữ đóng vai trò hỗ trợ để người chồng ra làm việc ngoài xã hội [2]. Mặc dù đã từ rất lâu rồi, vai trò của nữ giới không còn chỉ gói gọn trong ngôi nhà và căn bếp, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã hình thành vẫn khắc sâu trong lối tư duy và cách mà gia đình, xã hội vận hành.
Nữ giới trở thành đối tượng chịu thiệt thòi từ khuôn mẫu này. Định kiến thậm chí còn vận vào trong chính suy nghĩ, kỳ vọng của chính họ, cho rằng việc nhà vốn là bổn phận của đàn bà, con gái (hiện tượng nội tâm hóa định kiến – internalized sexism). Sau những buổi tụ họp, bữa tiệc, khi một cậu bé/người chú nào đấy tỏ ý muốn giúp một tay trong việc dọn dẹp, rửa bát thì chính những người phụ nữ trong nhà – các cô, các mẹ – lại là những người đầu tiên và mạnh mẽ nhất ngăn cản việc đàn ông rửa bát. Có lẽ họ ngầm cho rằng điều đó là trái với chuẩn mực, với lẽ thường; cũng có lẽ họ lo sợ bị đánh giá, về phẩm chất và giá trị của một người phụ nữ.
Ngược lại, những người đàn ông làm việc nhà lại được được tuyên dương như thể dọn dẹp cho mình và gia đình là một công việc xứng đáng nhận được phần thưởng với nam giới [1].
Thực trạng này có thể được lưu truyền qua các thế hệ: cách phân chia việc nhà của phụ huynh có ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức của các bé gái và bé trai. Một nghiên cứu đã chỉ ra các bé gái được yêu cầu làm việc nhà nhiều hơn các bé trai, thời lượng chênh lệch trung bình là 2 giờ đồng hồ mỗi tuần [2]. Chính những trải nghiệm này đã mang đến một bài học cho cả hai giới: con gái học được rằng công việc nhà đổ lên vai chúng và con trai biết rằng con gái sẽ phải dọn dẹp kể cả sau những đống bừa bộn con trai bày ra.
TÔN TRỌNG LỰA CHỌN CỦA CÁ NHÂN MỚI LÀ TIÊU CHUẨN
Nếu chỉ có phụ nữ rửa bát, làm việc nhà được coi là một tiêu chuẩn kép thì nhất quyết đẩy những người đàn ông vào căn bếp có phải là bình đẳng rồi không?
Những người phụ nữ yêu thích làm nội trợ, thích chăm sóc gia đình với các công việc trong nhà, họ có nhất thiết là những người khốn khổ, những nạn nhân của bất bình đẳng giới không?
Câu trả lời: “Không hẳn”. Bình đẳng giới không tước đi quyền lợi của ai, mà hướng đến sự tôn trọng quyền được tự do lựa chọn và quyết định của mỗi cá nhân, được đối xử không phải vì giới tính của họ.
#GenderationVietnam #TuvaCommunication #OxfaminVietnam #EuropeanUnion #GenderEquality #YouthandGender #binhdanggioi #dinhkiengioi #EUfunded
#tieuchuankep #doublestandard #khongphatbietnhung
—————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tabi Jackson Gee & Freya Rose. Ơn giời, de Beauvoir trả lời: Lời khuyên từ những nhà nữ quyền hàng đầu. Nhà xuất bản thế giới.
[2] Why it matters that women do most of the housework