NỮ QUYỀN CÓ BỎ MẶC ĐÀN ÔNG?

NỮ QUYỀN CÓ BỎ MẶC ĐÀN ÔNG?

image 14

#Bóc_hành_không_cay_mắt

“Nữ quyền” – Một trong những cụm từ mà mỗi khi xuất hiện thì lại đi kèm với những cuộc tranh luận bất tận xoay quanh nó. Chỉ nói riêng về khái niệm phong trào nữ quyền, đã có rất nhiều định nghĩa từ các nhánh nữ quyền khác nhau với những mục tiêu, phương hướng hoạt động và triết lý riêng biệt, thậm chí đối đầu với nhau.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là hầu hết nam giới thường không ủng hộ, hay thậm chí có tư tưởng chống lại nữ quyền. Liệu có phải nữ quyền đang thúc đẩy một cuộc chiến giữa đàn ông và phụ nữ? Ủng hộ nữ quyền có đem lại lợi ích gì cho nam giới không? Và đàn ông thì có thể trở thành nhà nữ quyền hay không? Những câu hỏi này sẽ lần lượt được giải đáp trong bài viết.

ĐÀN ÔNG CÓ ĐANG HIỂU ĐÚNG VỀ NỮ QUYỀN VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI?

image 15

Trong cuốn sách “Nữ quyền cho tất cả mọi người”, bell hooks đã đưa ra một định nghĩa giản dị về nữ quyền “là một phong trào hướng đến việc chấm dứt định kiến về giới, sự bóc lột và áp bức giới” [1]. Hay nói cách khác, mục tiêu của nữ quyền chính là bình đẳng giới.

Tuy nhiên, phần đông nam giới không tham gia vào phong trào nữ quyền, hay thậm chí có tư tưởng chống nữ quyền, thường vì hai lý do chính.

Đầu tiên, họ cho rằng nữ quyền chỉ đòi quyền cho nữ giới, và vì vậy nam giới sẽ không được lợi lộc gì khi tham gia vào phong trào này. Thay vào đó,“bình đẳng giới” mới là đích đến chính đáng và cần được thúc đẩy, chứ không phải nữ quyền. Cách lập luận này thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận đại chúng về nữ quyền và xuất phát từ việc không hiểu rõ nội hàm của hai khái niệm “nữ quyền” và “bình đẳng giới”.

Thứ hai, họ cho rằng việc ủng hộ hay trở thành một nhà nữ quyền sẽ khiến mọi người xung quanh nhìn nhận họ như những người đàn ông có “tính đàn bà”, hay nói cách khác, là không “nam tính”. Tư duy này xuất phát từ việc đồng hóa nữ quyền như một phong trào đấu tranh của chỉ riêng của nữ giới, kết hợp với sự thù ghét và coi thường tính nữ trong một xã hội nam quyền.

Những sự hiểu sai này, thực chất không hoàn toàn là lỗi của nam giới.. Bởi từ lâu nữ quyền đã bị truyền thông đại chúng gắn mác như một phong trào ngoại lai cực đoan, bảo thủ và thù ghét nam giới. Những nỗ lực để giáo dục nữ quyền và nâng cao nhận thức cho mọi người, bao gồm cả nữ giới và nam giới, thường xuyên bị các thông tin tiêu cực từ truyền thông làm cho suy yếu [2].

GIẢI PHÓNG NAM GIỚI CŨNG LÀ MỘT MỤC TIÊU CỦA NỮ QUYỀN

image 16

Nếu coi sự phân bổ quyền lực trong xã hội như một “trò chơi tổng bằng không”, thì việc đòi quyền cho nữ giới cũng đồng nghĩa với việc nam giới bị mất đi một phần quyền. Từ lập luận này, một số người đàn ông đã mang tư tưởng chống nữ quyền hoặc thù ghét phụ nữ vì cho rằng những nhà nữ quyền đang đe dọa đến vị thế và quyền lợi của mình trong xã hội.

Trên thực tế, nữ quyền không đồng nghĩa với sự thù ghét đàn ông hay cố gắng lật đổ nam giới để phụ nữ được lên nắm quyền. Chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến (radical feminism) đã xác định kẻ thù của bình đẳng giới chính là xã hội gia trưởng (patriarchy society), chứ không phải nam giới. Xã hội gia trưởng, bằng việc tuyệt đối hóa hình tượng nam tính và hạ thấp nữ tính, đã tạo ra sự bất bình đẳng giới và những định kiến áp bức và trói buộc cả nam giới lẫn nữ giới.

Đúng vậy, không chỉ riêng phụ nữ, mà những người đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của định kiến giới. Đàn ông mang trên mình kỳ vọng của xã hội phải là người kiếm ra tiền nuôi cả gia đình, phải mạnh mẽ trơ lì, phải làm lãnh đạo, phải có quan hệ rộng, phải có khả năng tình dục cao, phải biết uống rượu bia, v.v [3].

Bên cạnh đó, khuôn mẫu về tính nam độc hại đã tạo ra sức ép khiến nam giới phải gồng mình tỏ ra mạnh mẽ chai lì khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, không dám chia sẻ những khó khăn và cảm xúc tiêu cực của mình với người khác. Những định kiến này gặm nhấm một cách từ từ cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của những người đàn ông, làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm và tự sát ở nam giới. Trong khảo sát kéo dài 18 năm từ năm 2000 đến 2018 của World Bank về tỉ lệ tự tử ở Việt Nam, tỷ lệ tự tử ở nam giới cao hơn ở nữ giới ở tất cả các năm. Số liệu gần nhất vào năm 2018 cho thấy nam giới có tỉ lệ tự tử là 10.4% còn nữ giới là 4.7% [4].

Việc thúc đẩy phong trào nữ quyền, vì vậy, không chỉ giải quyết vấn đề của nữ giới, mà còn đồng thời giải phóng nam giới khỏi những khuôn mẫu điển hình của nam tính độc hại.

NAM GIỚI CŨNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH NHÀ NỮ QUYỀN

image 17

Từ những lý do trên, đàn ông hoàn toàn có cơ sở cho việc ủng hộ và tham gia vào phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng không thể coi nam giới là những nhà nữ quyền, bởi họ không thể thấu hiểu được hoàn toàn những trải nghiệm của nữ giới khi phải trải qua sự áp bức và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới [5].

Ngoài ra, một số nhà nữ quyền cũng lo ngại rằng việc để đàn ông tham gia vào phong trào nữ quyền quá nhiều cũng khiến cho tính chính danh về mặt chính trị của nữ giới trong phong trào bị suy giảm. Khi ấy, phụ nữ lại bị coi như những nạn nhân cần phải phụ thuộc vào sự “cứu giúp” của đàn ông mới có thể giải phóng cho chính mình.

Những luận điểm này không hoàn toàn là vô lý, tuy nhiên, chúng đang quá cầu kỳ và tập trung vào “nhãn dán”, thay vì những lợi ích thiết thực của sự ủng hộ và tham gia từ phía nam giới. Bởi không phong trào chính trị – xã hội nào có thể đạt được thành công nếu cứ gạt bỏ đi bất kỳ sự ủng hộ nào từ bên ngoài. Tất cả những người đàn ông dám đứng lên chống lại định kiến giới, chống lại bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục, chống lại sự phân biệt đối xử và đàn áp dựa trên cơ sở giới, đều có thể được coi là những nhà nữ quyền [6]. Đây mới chính là tinh thần của “Nữ quyền dành cho tất cả mọi người” mà bell hooks cố gắng để truyền tải.

Tài liệu tham khảo:

[1][2] Nữ quyền cho tất cả mọi người | bell hooks

[3] NAM GIỚI CŨNG LÀ NẠN NHÂN CỦA ĐỊNH KIẾN GIỚI | Genderation Vietnam

https://genderation.vn/…/nam-gioi-cung-la-nan-nhan-cua…/

[4] Vietnam Suicide Rate 2000-2022 | MacroTrends (Data Source: World Bank)

https://www.macrotrends.net/coun…/VNM/vietnam/suicide-rate

[5] WHAT IS THE ROLE OF MEN IN FEMINISM? | CIDSE.org

https://www.cidse.org/…/what-is-the-role-of-men-in…/

[6] Can men be feminists? | Cath Elliott | The Guardian

https://www.theguardian.com/…/apr/23/canmenbefeminists

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính