CÙNG LÀ ĐẦU TƯ CHO SỰ NGHIỆP… MÀ LẠI PHÂN BIỆT 

CÙNG LÀ ĐẦU TƯ CHO SỰ NGHIỆP… MÀ LẠI PHÂN BIỆT 

Tưởng tượng một cô gái đang nỗ lực cống hiến và dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp cá nhân. Một trong những phản ứng phổ biến cô có thể nhận từ một người lớn sẽ là:

““Phụ nữ đừng tham vọng quá!”,

““Đàn bà không nên học cao”,

“Thời gian đâu lo cho gia đình”,

Ngược lại, một chàng trai với tham vọng và nỗ lực tương tự có xu hướng nhận được những lời động viên kiểu:

“Nam nhi chí lớn”

“Đàn ông phải có chí tiến thủ”

“Trụ cột gia đình phải có sự nghiệp”… 

Cùng là đầu tư cho sự nghiệp, đàn ông và phụ nữ có thể nhận được mức độ ủng hộ khác nhau. Đây chính là tiêu chuẩn kép về giới khi nhắc đến công việc. Có rất nhiều những tình huống mà nhân viên nam, nhân viên nữ hoặc sếp nam, sếp nữ nhận đối xử và đãi ngộ khác nhau. Sự phân biệt có thể xoay quanh vấn đề về động lực, thái độ, năng lực chuyên môn, tiềm năng phát triển, … của nam giới và nữ giới. Những định kiến này ảnh hưởng tiêu cực phần nhiều đến nữ giới và con đường của họ khi phải chịu sự đánh giá, phán xét không chỉ từ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng mà còn cả từ gia đình, xã hội. 

Cốt lõi của vấn đề này nằm ở điểm nhìn văn hóa – nhìn nhận nữ giới trước tiên là phụ nữ, sau đó mới là người lao động [1]. Quan điểm truyền thống này gắn phụ nữ với trách nhiệm chăm sóc gia đình và không gian nội trợ, vì thế nên kỳ vọng họ đặt ưu tiên cho bổn phận này lên trước, thay vì “tranh giành vai trò với đàn ông”. Điều này gây hại cho cả nữ giới chưa và đã có con, bởi lẽ vấn đề sinh em bé và nuôi con đều ảnh hưởng đến sự tự tin (của xã hội và chính bản thân phụ nữ) về năng lực đảm bảo công việc và tiềm năng của họ. 

Kỳ vọng thấp đối với nữ giới thường đi đôi và tỉ lệ nghịch với mức độ kỳ vọng dành cho nam. Tiêu chuẩn kép ở đây ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai giới, những người đàn ông chịu áp lực không những phải ổn định mà còn cần vượt trội trong sự nghiệp; trong khi phụ nữ lại không được khuyến khích có một sự nghiệp thành công. 

Tư duy phân biệt này cũng chính là nguyên nhân cho hàng loạt những chênh lệch về đối xử và đãi ngộ giữa nam và nữ tại môi trường làm việc. Cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi hành vi phân biệt đối xử về tiền lương trở thành bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, bất chấp thực tế là nữ giới có trình độ học vấn cao hơn nam giới, phụ nữ vẫn nhận mức lương bình quân thấp hơn nam giới [3]. Chênh lệch tiền lương theo giới tính là hậu quả của nhiều yếu tố khác nhau: nam giới thường giữ những chức vụ cao hơn và làm việc trong những lĩnh vực trả lương cao hơn; ảnh hưởng bất lợi của việc nghỉ thai sản và chăm con đối với sự thăng tiến trong nghề nghiệp và thời gian làm việc được trả lương; cùng những hình thức phân biệt đối xử khác.

Ở nhiều nơi làm việc, nam giới dễ dàng hành xử theo cách mà ở nữ giới thì bị coi là không chấp nhận được. “Có một sự thật là khi một người đàn ông la mắng nhân viên thì người ta sẽ bảo người đó thật phong độ nhưng nếu là người phụ nữ ở vị trí đó thì hẳn sẽ bị nói là tác oai tác quái.” – rapper Suboi [3]. Nữ giới thể hiện cảm xúc nơi làm việc thường có khả năng bị đánh giá là thiếu năng lực và không chuyên nghiệp, điều tương tự ít xảy ra hơn với nam giới. Vân vân và mây mây …

Dễ thấy, những tiêu chuẩn kép nói trên khi nhắc về sự nghiệp chính là biểu hiện của những kỳ vọng và khuôn mẫu đã tồn tại từ lâu trong xã hội, về vai trò giới và thể hiện giới. Các định kiến này hãy còn “lì” đến vậy là bởi nó không chỉ hằn sâu trong cách thức, các hệ thống mà tập thể và xã hội vận hành mà còn in dấu trong nhận thức và giới hạn tư duy của cá nhân. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tabi Jackson Gee & Freya Rose. Ơn giời, de Beauvoir trả lời: Lời khuyên từ những nhà nữ quyền hàng đầu. Nhà xuất bản thế giới. 

[2] Lý do tiền lương của nam và nữ có sự chênh lệch https://zingnews.vn/ly-do-tien-luong-cua-nam-va-nu-co-su-chenh-lech-post1364957.html 

[3] Ca sĩ Suboi  và hành trình chạm tới đỉnh cao của làng rap Việt https://revelogue.com/ca-si-suboi/ 

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính