AI LÀ NGƯỜI CẦU HÔN? 

AI LÀ NGƯỜI CẦU HÔN? 

Trong một tập phim của series nổi tiếng Friends, nhân vật Phoebe đã có màn cầu hôn bạn trai Mike của mình trên khán đài của một trận đấu bóng rổ, khoảnh khắc ấy còn được chiếu trực tiếp lên màn hình lớn trước tất cả mọi người trong nhà thi đấu. Ngược lại với sự mong đợi của cô, Mike chỉ cảm thấy khó xử còn đám đông bắt đầu mỉa mai và la ó. Một người phụ nữ cầu hôn bạn trai của mình có gì đáng bị phản đối? 

Có một thực tế lạ lùng là: Cả hai người có thể đều ngầm hiểu rằng sẽ kết hôn vào một thời điểm nào đó thậm chí, có thể đã từng thảo luận về việc muốn sinh mấy đứa con, sẽ sống ở đâu, có thể cả hai đang sống chung với nhau rồi và thậm chí là đã có một đứa con… Nhưng dù đã cùng nhau trải qua bao nhiêu vai trò hiện đại và bình đẳng, với tư cách bạn trai và bạn gái, thì “việc” cầu hôn vẫn thuộc về bạn trai, và việc của người bạn gái là đợi anh ấy ngỏ lời. 

Đính hôn mà không cần đàn ông ngỏ lời có vẻ là một chuyện lớn, thậm chí trong thế kỷ 21, điều đó có hàm ý gì về những vai trò giới đã được quy định trước? Hãy cùng Genderation tìm hiểu nhé! 

#GenderationVietnam #TuvaCommunication #OxfaminVietnam #EuropeanUnion #GenderEquality #YouthandGender #binhdanggioi #dinhkiengioi #EUfunded 

Nguồn gốc LỊCH SỬ – VĂN HÓA

71

Với nhiều nền văn hóa, lời cầu hôn có ý nghĩa quan trọng, nó là một lời hứa, sự cam kết để chính thức bắt đầu một chặng đường mới trong tình yêu – hôn nhân. Khoảnh khắc cầu hôn được nhớ đến như một kỉ niệm lãng mạn đẹp đẽ và đặc biệt. 

Tuy nhiên, trong lịch sử, trọng tâm của các cuộc đính hôn lại là giao dịch giữa hai bên gia đình. Điều này trong nhiều thế kỷ khiến cho cô dâu bị xem như một món tài sản. Đính hôn là một bước chuyển tài sản đó từ cha sang chồng, do đó nam giới thường là bên ngỏ lời trước và cũng có truyền thống để cha của cô dâu dẫn cô ấy đến trao tay cho chú rể trong lễ cưới. Một phụ nữ có thể đã kết hôn để tạo ra các liên minh chiến lược, để đảm bảo vị thế xã hội của gia đình, đổi lấy đất, hoặc như một cách để giải quyết nợ của gia đình mình. [1]

Về mặt văn hóa, dù còn gây tranh cãi nhưng có một sự thật là một số tôn giáo lớn đề cao vai trò của nam giới hơn nữ giới nói chung và trong một mối quan hệ nói riêng. Ví dụ, trong Kinh Thánh ghi lại “HE who finds a wife finds what is good and receives favor…” (tạm dịch: nếu anh tìm được vợ, anh sẽ tìm được điều tốt lành và nhận được ân huệ) chứ không phải “SHE who finds a husband…” (dịch: nếu cô tìm được chồng…). Adam được tạo ra đầu tiên và sau đó là Eva – từ một chiếc xương sườn của anh ấy. Dựa vào đây, nhiều người cho rằng một nam giới là bên chủ động tìm kiếm và ngỏ lời với người phụ nữ của mình, còn nữ giới thì lệ thuộc vào quyết định đó. [2]

Một yếu tố góp phần lớn phổ biến và duy trì các khuôn mẫu truyền thống trong cầu hôn là truyền thông và phim ảnh. Các mô típ kinh điển về màn cầu hôn lãng mạn mà nhân vật nam dành cho bạn gái – với sự đầu tư chuẩn bị và màn tạo bất ngờ, hành động quỳ gối, chiếc nhẫn đính hôn đắt đỏ – đã thuyết phục khán giả về ý nghĩa và những tiêu chí lý tưởng của nó, mà ở một khía cạnh nào đó, ẩn chứa những định kiến giới. 

ĐỊNH KIẾN GIỚI TRONG LỜI CẦU HÔN

72

Theo trang Brides, khảo sát các cặp vợ chồng dị tính cho thấy chỉ 5% phụ nữ cầu hôn. Hơn 90% cô dâu cho rằng cầu hôn là công việc của cánh mày râu. [3]

Nguyên nhân chính khiến lời cầu hôn ngày nay vẫn bị mắc kẹt trong khuôn mẫu “nam cầu hôn nữ” là những định kiến về vai trò giới, thể hiện giới của nam – nữ. Nam giới thường được cho là mạnh mẽ, cứng rắn và logic, trong khi nữ giới thường bị gán với sự mong manh, lệ thuộc, tính cách phi lý trí, cần dựa vào những người đàn ông để được bảo vệ và dẫn dắt trong những quyết định quan trọng. 

Như vậy, lập luận này cũng cho rằng hôn nhân nên được người nam đề xuất và khởi xướng vì một tổ ấm không thể hoàn toàn được xây dựng dựa trên tình cảm, theo một cách nào đó, nó giống như việc điều hành một công ty, nó phải được xây dựng và đứng đầu bởi những người mạnh mẽ và lý trí. 

Những định kiến của xã hội có thể trở thành gánh nặng tâm lý lên cả nam giới và nữ giới. Không những thế, chúng còn có xu hướng được nội tâm hóa (internalize), biến thành niềm tin, chuyển hóa thành những áp lực cầu hôn với nam và những bất an cùng kỳ vọng được cầu hôn ở nữ. 

Cảm nhận về lòng tự tôn của nam giới có thể trở nên tiêu cực nếu nhận được lời cầu hôn từ bạn gái, có thể cảm thấy khó xử, mặc cảm vì bị người khác đánh giá là kém cỏi, thụ động và so sánh với người con gái mình yêu. Một chàng trai cũng cần phải chắc chắn về bản thân anh ta và mối quan hệ để chấp nhận một lời cầu hôn, giống như việc cần có sức mạnh chống lại nghịch cảnh để một cô gái nói ra lời cầu hôn đó.

Dưới lăng kính giới, dành động cầu hôn của nam giới cũng ẩn chứa trong đó sự phân biệt giới thiện cảm. Thứ “mật ngọt chết ruồi” này thể hiện qua một câu nói của nhà nữ quyền Gloria Steinem: “Một bệ đỡ cũng giống như một nhà tù hay bất kỳ không gian nhỏ hẹp nào.” Được cầu hôn được coi giống như một “đặc quyền” của nữ giới, nhưng có vẻ nó đang cướp đi quyền tự quyết của họ – khi một phụ nữ có thể phủ quyết một lời ngỏ ý nhưng lại không thể cảm thấy thoải mái khi đề xuất nó. 

AI CŨNG CÓ THỂ CẦU HÔN!

73

Tại các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà vai trò giới truyền thống thường được duy trì mạnh mẽ hơn, khảo sát cho thấy ba phần tư (74%) câu trả lời nói rằng có thể chấp nhận việc nữ cầu hôn nam. Điều này cho thấy vẫn có sự linh hoạt dù sự kỳ vọng được giữ ở mức cao. [4]

Ở Ireland, ngày 29/2 là cơ hội 4 năm mới tới một lần để phái nữ chủ động tỏ tình, cầu hôn người mình yêu. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ thứ 5, khi thánh Patrick nhận được lời phàn nàn rằng phụ nữ phải chờ đợi quá lâu để được đàn ông cầu hôn, ông đã đáp ứng nguyện vọng để nữ giới có thể chủ động ngỏ lời song chỉ cho phép 4 năm mới có một dịp. [5] 

Thực tế không thiếu những trường hợp người nổi tiếng mà vợ cầu hôn chồng, có thể nhắc đến là: Nữ hoàng Victoria và hoàng tử Albert của Anh, nữ minh tinh Elizabeth Taylor, ca sĩ Britney Spears và vũ công Kevin Federline, ca sĩ P!nk và vận động viên mô tô Carey Hart, ca sĩ Jennifer Hudson và đô vật WWE David Otunga,…

Nhiều quan điểm cho rằng, tình yêu đồng tính đang giúp thay đổi cuộc chơi. Trong khi ở các cặp đồng tính nữ, người chủ động cầu hôn là một cô gái, thì với các cặp đồng tính nam, người nhận được lời cầu hôn là một chàng trai; điều đó có nghĩa là việc nữ giới mở lời và nam giới được cầu hôn đang trở nên bình thường hơn — đây chính những chất xúc tác mà chúng ta cần để giúp xã hội từ bỏ vai trò giới truyền thống.

Sau cùng, với một cái nhìn rộng hơn, xã hội cần cởi bỏ những khuôn mẫu, định kiến về vai trò và thể hiện giới áp đặt lên việc cầu hôn nói riêng và trong một mối quan hệ nói chung, truyền thông cũng có thể đóng vai trò tích cực trong truyền đi những thông điệp vượt lên khuôn mẫu giới để bất kỳ ai – dù nam hay nữ – đều có thể tự do sống và yêu hết khả năng của mình. 

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính