XU HƯỚNG TÍNH DỤC: ĐOÁN NON ĐOÁN GIÀ, CHUYỆN NHÀ NGƯỜI TA!

XU HƯỚNG TÍNH DỤC: ĐOÁN NON ĐOÁN GIÀ, CHUYỆN NHÀ NGƯỜI TA!

#Tưởng_thế_là_hay:

Sau một thời gian nghỉ ngơi khỏi mạng xã hội, diễn viên Kit Connor (đóng vai Nick Nelson trong bộ phim tuổi teen về tình yêu đồng tính nam Heartstopper) mới đây đã công khai là người song tính (bisexual). 

“Tôi là người song tính. Xin chúc mừng vì đã buộc một thanh niên 18 tuổi phải công khai xu hướng tính dục của mình. Tôi nghĩ một số người đã bỏ lỡ mục đích của bộ phim. Bye.” 

Trước đó hồi tháng 9, nam diễn viên đã bị nhiều người chỉ trích cho rằng anh “queer baiting” chỉ vì được trông thấy nắm tay bạn diễn nữ đi dạo tại Paris. Đó cũng là lí do anh từng bày tỏ sự khó chịu và tuyên bố ngừng sử dụng mạng xã hội Twitter một thời gian.

Trong một cuộc phỏng vấn với podcast Reign With Josh Smith, chính Connor đã từng chia sẻ về áp lực mà anh và bạn diễn Joe Locke (Charlie) phải chịu về việc bị suy xét, dán nhãn xu hướng tính dục sau bộ phim: “Tất cả chúng tôi vẫn còn rất trẻ để mọi người bắt đầu suy đoán về xu hướng tính dục của chúng tôi và nó có thể gây áp lực buộc chúng tôi phải công khai khi có thể chúng tôi chưa sẵn sàng…” [1]

Ông hoàng nhạc pop Michael Jackson sau khi qua đời vẫn là một biểu tượng của thời đại. Công chúng nhớ về ông không chỉ về di sản nghệ thuật đồ mà cả những tranh cãi về đời tư, trong đó có những đồn đoán xung quanh xu hướng tính dục của huyền thoại này, luôn có những nghi hoặc và tranh cãi không hồi kết về việc Michael là người dị tính, đồng tính nam hay vô tính.

Ở Việt Nam, ca sĩ trẻ MONO gần đây đã nhận được sự chú ý không chỉ vì màn ra mắt sự nghiệp âm nhạc mà còn vì hình ảnh của anh được cho là xuất hiện trên trang facebook của một ứng dụng hẹn hò đồng tính nam. Có nhiều người quan tâm và ủng hộ nhưng cũng không thiếu những cá nhân chỉ trích, miệt thị: thời gian đầu, dưới bài viết về ca sĩ thường xuất hiện các bình luận như: “Bê đê”, “Nhà có hai anh em mà bị gay”, “Ẻo thấy ghê”… cùng những suy đoán về xu hướng tính dục thật sự­ của anh chàng.  

Công khai xu hướng tính dục có thực sự cần thiết?

Có một sự thật là trong hầu hết các trường hợp, một người chỉ thắc mắc về xu hướng tính dục của người khác khi cho rằng họ có khả năng “không phải dị tính”, chứ không phải một người cho thấy nhiều dấu hiệu để được mặc định là “thẳng”. Tức là nhiều người thường suy đoán xu hướng tính dục của người khác thông qua thể hiện giới của họ. 

Chính Kit Connor từng nói về việc người xem Heartstopper đưa ra những giả thiết của họ về việc Connor và Locke có thích nhau trong đời thực hay không: “Giờ là năm 2022, thật kỳ lạ khi đưa ra các giả định về xu hướng tính dục của một người nào đó chỉ dựa trên việc nghe giọng nói hoặc nhìn thấy ngoại hình của họ.”

Tại sao xu hướng tính dục của một người lại quan trọng đến vậy? Câu trả lời cho xu hướng tính hay bản dạng giới của họ liệu có ảnh hưởng đến cách ta đối xử với người đó, trở nên lạnh lùng, bớt quan tâm hay càng nhiệt tình, hăng hái hơn? Khi đó, liệu đó có phải một sự phân biệt giới tính kiểu thiện cảm (benevolent sexism)? 

Thứ nhất, có những người chưa thật sự xác định được và vẫn đang tìm hiểu về xu hướng tính dục của mình, những câu hỏi như vậy góp phần tạo gánh nặng cho họ, về việc cần phải có một “danh xưng chính thống” nào đó, song phải sống với đúng danh xưng như vậy. Đây không phải là một điều dễ dàng, quá trình khám phá và chấp nhận bản thân có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí có những người chỉ nhận ra sau khi kết hôn, có con… Chưa kể đủ can đảm và thoải mái để công khai bản thân lại là một nỗ lực khác. 

Thứ hai, dù người hỏi có thể thiện chí và hàm ý “bao dung với tất cả giới” hay “không kỳ thị LGBT” nhưng hành động này lại vô tình củng cố thêm định kiến và sự phân biệt đối xử với những người không thuộc cộng đồng dị tính, khiến họ cảm thấy xu hướng tính dục của mình là “khác biệt”. Việc dò xét và suy đoán giới tính của một người thông qua ngoại hình và các biểu hiện bên ngoài của họ có thể khiến người đó khó chịu, cảm thấy tự ti hoặc khiến tương tác trở nên gượng gạo.

Thứ ba, xu hướng tính dục là thứ không cố định, mà linh hoạt, đa dạng và có thể thay đổi. Hơn nữa, một số người không cảm thấy cần phải dán cho mình bất cứ một cái nhãn nào về xu hướng tính dục và định nghĩa bản thân họ trong xã hội qua cái nhãn đó.

Không có bất kỳ một khuôn mẫu nào cho thể hiện giới. Thể hiện giới hay xu hướng tính dục cũng chỉ là một phần trong bản sắc của một cá nhân, không phải là toàn bộ con người họ. Đối xử với một người dựa trên điều này của họ là đang giới hạn giá trị của người đó, và đó chắc chắn không phải là bình đẳng hay một sự trao quyền.

Harry Styles – nam ca sĩ nổi tiếng với phong cách thời trang phi giới tính – sẻ bản thân thường không nghĩ quá nhiều về vấn đề giới tính, muốn giữ kín đời tư của mình nhất có thể. “Thật ra tôi rất cởi mở với bạn bè, nhưng đó là câu chuyện riêng của tôi. Điều mà chúng ta nên hướng tới, đó là chấp nhận mọi người, trở nên cởi mở hơn. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải dán nhãn cho mọi thứ rồi xác nhận rằng bạn là ai và bạn đang thích giới nào” [2]

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính