Top 5 hiểu nhầm thường gặp về phong trào nữ quyền (feminism)

Top 5 hiểu nhầm thường gặp về phong trào nữ quyền (feminism)

Top 5 hiểu nhầm thường gặp về phong trào nữ quyền
Nữ quyền (Feminism) cổ vũ phụ nữ không mặc áo lót, khêu gợi đàn ông? Nữ quyền là đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu nam giới? Tại sao có nữ quyền mà không có nam quyền?… Genderation xin kể bạn nghe 5 hiểu nhầm thường gặp nhất về nữ quyền và giải mã chúng.

Nữ quyền (Feminism) cổ vũ phụ nữ không mặc áo lót, khêu gợi đàn ông? Nữ quyền là đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu nam giới? Tại sao có nữ quyền mà không có nam quyền?…

Phong trào nữ quyền đã không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều lầm tưởng, ngộ nhận khiến nhiều người e ngại hay phản cảm với phong trào tốt đẹp này. Genderation xin kể bạn nghe 5 hiểu nhầm thường gặp nhất về nữ quyền và giải mã chúng.

Hãy bình luận thêm bên dưới những hiểu nhầm khác về phong trào nữ quyền bạn từng gặp, để chúng mình cùng tìm lại đâu là sự thật nha!

Hiều nhầm 1: Nữ quyền là đổ lỗi cho đàn ông?

Nữ quyền là đổ lỗi cho đàn ông?

“Tại anh nên đời tôi mới khổ?”, đây có phải là châm ngôn của nữ quyền không?

Không! Nữ quyền không đổ lỗi cho ai cả. Các chiến dịch, phong trào của nữ quyền luôn tập trung đấu tranh để tăng sự hiện diện của nữ giới và đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Những nhà hoạt động, người ủng hộ phong trào này cất tiếng nói của mình để mong phụ nữ được xuất hiện, và quan tâm nhiều hơn: Được đi học như nam giới, được trả lương bằng với nam giới cho công việc tương đương. Họ không hạ bệ đàn ông.

Mặt khác, các nghiên cứu nữ quyền và bình đẳng giới cũng chỉ ra rằng, đàn ông không phải nguồn cơn cho những bất hạnh của người phụ nữ. Mà có một hiện diện bên ngoài là Định kiến giới đã đày ải họ, cả hai giới. Định kiến giới quy rằng phụ nữ là phái yếu, chỉ nên làm việc nội trợ ngày đêm trong bếp; còn đàn ông là phái mạnh, phải làm trụ cột của gia đình, cáng đáng áp lực kinh tế cho gia đình.

Thực tế, các phong trào nữ quyền đã tạo cơ hội cho phụ nữ có thêm nhiều lựa chọn hơn thay vì gắn chặt họ với “thiên chức” làm vợ, làm mẹ. Năng lực của họ được công nhận nơi công sở, được trả lương xứng đáng. Từ đó, họ có thể chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng người chồng trong gia đình. Đồng thời, phong trào nữ quyền cũng nỗ lực để xã hội ghi nhận tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả lương và đó là một công việc có thể được thực hiện bởi bất cứ thành viên nào trong gia đình, không cứ nhất thiết phải là người phụ nữ.

Hiểu nhầm 2: Đã có bình đẳng giới rồi, nữ quyền chỉ bày vẽ thôi.

“Đã có bình đẳng giới rồi, nữ quyền chỉ vẽ chuyện thôi!”

C-có chắc không?

Theo “Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2018” của Liên hợp quốc, năm 2016, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động là 48,5%, thấp hơn 26,5% so với nam giới. Một nghiên cứu khác của Oxfam cho thấy ở Việt Nam, mức thu nhập của nữ giới thấp hơn nam giới 24% cho các công việc tương đương. ⅓ nữ công nhân ở Campuchia bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, 38% lao động nữ không được nghỉ thai sản theo luật định…

Bình đẳng cần được thực hiện rộng rãi, phổ biến và bao quát. Có lẽ nơi bạn đang sống, những người xung quanh đã có được sự công bằng đó -điều này thật tuyệt vời. Nhưng rất nhiều nơi khác trên thế giới, hoặc ngay sau khu phố của bạn khi tắt đèn, không ai thấy ai nữa, vẫn có những người vợ bị chồng bạo hành, vẫn có những người phụ nữ không được tới trường, bị xa lánh vì tới kỳ kinh nguyệt của mình hay không thể có một miếng băng vệ sinh tử tế vì quá đắt đỏ.

Vậy nên, “đã có bình đẳng giới rồi” vẫn chỉ là một giả thuyết (assumption) bị ngộ nhận. Và bởi vì chưa có, nên chúng ta tiếp tục đấu tranh.

Hiểu nhầm 3: Nữ quyền có nghĩa là phụ nữ phải hơn, vượt trội so với nam giới

Nữ quyền là phụ nữ phải hơn đàn ông?

Như đã nói trên, nữ quyền tuyệt đối không phải để hơn thua với đàn ông, đòi áp đảo đàn ông để thực hiện các quyền lợi của mình, hay ủng hộ cho chế độ mẫu hệ. Nữ quyền đòi và bảo vệ quyền cho phụ nữ, các quyền này là cơ bản, bình đẳng của con người, giữa tất cả giới tính. Ví dụ như quyền được tới trường, quyền được làm việc đúng ngành nghề mình mong muốn, được bảo vệ khi bị xâm hại, bạo hành…

Chúng ta cũng không nên hiểu đơn giản sự bình đẳng là sau bữa ăn, người vợ rửa một chiếc bát thì người chồng cũng phải rửa một chiếc bát, anh bê được bình nước 19l thì em cũng phải vậy. Bình đẳng là sự thỏa thuận thống nhất sao cho khi anh xem bóng đá với bạn thì em cũng được đi cà phê với bạn bè, chứ không phải hấp tấp chuẩn bị đồ nhậu khi anh còn chưa về nhà, đến lúc anh say ngủ lại dọn dẹp một mình.

Hiểu nhầm 4: Chỉ có nữ giới mới làm nữ quyền, đàn ông thì không

Chỉ có phụ nữ mới làm nữ quyền?

Làm nữ quyền là một khái niệm không có tính giới. Ai cũng có thể làm nữ quyền, chỉ cần bạn muốn. Và việc làm nữ quyền tuyệt đối cũng không ảnh hưởng gì tới xu hướng tính dục của bạn (Ad đã từng nghe có bạn châm chọc chỉ có các bạn nam không thẳng mới ủng hộ nữ quyền, ủa liên quan ha?).

Chúng ta có thể thấy nhiều gương mặt nam giới trong phong trào này, họ tự tin và thoải mái ủng hộ phong trào. Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Obama đã ký dự luật Đạo luật khôi phục lương công bằng cho nữ giới (The Lilly Ledbetter Fair Pay Act of 2009) ở Mỹ. Ông chia sẻ rằng có quá nhiều phụ nữ không nhận biết được mình đang bị trả lương bất công, và ông sẽ đấu tranh không ngừng để giải quyết sự phân biệt đối xử này. “James Bond” Daniel Craig cũng quan tâm tới vấn đề tương tự, anh chia sẻ câu chuyện của mình trong ngày 08/03/2021: “Phụ nữ làm ⅔ công việc trên thế giới, nhưng chỉ sở hữu 10% tổng thu nhập và 1% tài sản. Vậy có sự bình đẳng không? Cho đến khi câu trả lời là có, chúng ta không bao giờ được ngừng hỏi.”

Ủng hộ nữ quyền không phải luôn cần có phát biểu lớn lao như vậy, hay nằm lòng hệ thống kiến thức đồ sộ về chủ nghĩa này, nó chỉ đơn giản là bạn hãy thấu hiểu và tôn trọng những người phụ nữ xung quanh mình. Một nam ca sĩ Việt Nam đã chọn phương pháp tránh thai bằng cách thắt ống tinh để vợ anh khỏe mạnh, hai người có thể chăm sóc gia đình tốt hơn.

Hiểu nhầm 5: Người làm nữ quyền không phải mẫu người của gia đình

Người làm nữ quyền không phải mẫu người của gia đình?

Nữ quyền phá hủy những vẻ đẹp truyền thống tốt đẹp của phụ nữ? Người làm nữ quyền thì không muốn kết hôn? Người làm nữ quyền thì không hợp chăm sóc gia đình?

Việc một người đi học liệu có phải nguyên nhân nếu người đó nấu ăn dở tệ? Giữa hai yếu tố này khó có thể nói là quan hệ nhân quả được. Việc một người ủng hộ nữ quyền, đấu tranh để phụ nữ và xã hội có một tương lai tốt đẹp hơn cũng không ảnh hưởng tới các phẩm chất, năng lực quan tâm và chăm sóc người khác của người đó cả. Họ còn có thể là những người biết suy nghĩ, nhạy cảm hơn vì biết đặt mình, thấu hiểu vị trí của người yếu thế – phụ nữ.

Nữ quyền không kêu gọi phụ nữ rời khỏi căn bếp của mình, cướp quyền chăm sóc tổ ấm như lập luận của MC nào đó. Một người phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền hoàn toàn có thể là người đam mê nấu ăn và tận hưởng niềm vui vun đắp gia đình. Nữ quyền đảm bảo rằng đó là lựa chọn của cô ấy, chứ không phải điều cô ấy phải làm vì áp lực xã hội.

Và nếu như một người phụ nữ không muốn kết hôn, thì cũng giống như một người đàn ông không muốn lập gia đình. Đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi người. 

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính