“Không giống nam, cũng không giống nữ thì là giống gì?” – Chiếu “mới” thắc mắc về đại từ nhân xưng

“Không giống nam, cũng không giống nữ thì là giống gì?” – Chiếu “mới” thắc mắc về đại từ nhân xưng

“KHÔNG GIỐNG NAM, CŨNG KHÔNG GIỐNG NỮ THÌ LÀ GIỐNG GÌ?” - Chiếu “mới” thắc mắc về đại từ nhân xưng.

#Mở_khoá_từ: Đại từ nhân xưng (Pronoun)

MỘT CÁ NHÂN MÀ LẠI DÙNG ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG “HỌ”?

Trước tiên, Genderation sẽ giúp các bạn phân biệt hai khái niệm hay bị nhầm lẫn với nhau – Giới tính sinh học – Sex và Bản dạng giới – Gender Identity. Nhiều lúc trong các biểu mẫu thu thập thông tin, bạn hay thấy hai khái niệm này được dùng thay phiên nhau (interchangeable), nhưng về bản chất, sex được quyết định bởi những đặc điểm sinh học như bộ phận sinh dục, hormone,… còn gender được quyết định bởi sự tự định dạng bản thân của mỗi người thông qua những điều ta tiếp nhận được từ thế giới bên ngoài về cách hành xử, vai trò, kỳ vọng của xã hội… về mỗi giới. Sex là những đặc điểm sinh ra đã sẵn có, còn gender là cách một người nhìn nhận và suy nghĩ bản thân mình thế nào.

Giới tính sinh học và Bản dạng giới không nhất thiết phải hoà hợp, tương đồng với nhau. Nếu hai đặc điểm này hoà hợp, bạn là người Hợp giới (Cisgender), và đối nghịch thì sẽ là người Chuyển giới (Transgender). Trước đây, chúng ta luôn sử dụng những cách gọi – những đại từ nhân xưng phổ biến dựa trên giới tính sinh học của một cá nhân. “Anh ấy” – “He/Him” dành cho người họ nhìn nhận là nam giới, “Cô ấy” – “She/Her” với người họ nhìn nhận là nữ giới.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi do sự chưa toàn vẹn, chưa thỏa đáng trong cảm nhận của nhiều cá nhân. Họ không hài lòng với giới tính sẵn có hay được áp đặt lên mình, và vì vậy định nghĩa và thể hiện bản thân theo một hướng khác với tư duy truyền thống. Từ đó những đại từ khác xuất hiện cho nhóm người cảm thấy bản thân không mang chính xác đặc điểm của nam hay nữ giới. Họ thoát khỏi hệ thống nhị nguyên, gọi mình bằng “Họ” – “They/Them” và được gọi là genderqueer (hay gender non-binary – phi nhị nguyên giới).

Ở Việt Nam có nhiều cách để nhắc đến một cá nhân nào đó không tuân theo cách gọi thông thường mà xã hội đã dùng bấy lâu nay. “Cậu ấy”, “Bạn ấy”, “Người đó”… là những lựa chọn đại từ nhân xưng trung tính đa dạng để thay thế cho “Họ” nếu bạn không đồng tình về logic số lượng.

ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG THUỘC BẢN DẠNG GIỚI HAY THỂ HIỆN GIỚI?

Đây là một thắc mắc khá phổ biến, và trên thực tế, đại từ nhân xưng là MỘT trong những cách phản ánh, định vị bản dạng giới, đồng thời là MỘT trong những công cụ để một cá nhân thể hiện giới của mình (bên cạnh lựa chọn quần áo, cách xử sự, tên gọi…) [1]

Bởi vì những khái niệm trên có sự tách biệt, nên việc nhận biết bản dạng giới của một người không có nghĩa là bạn sẽ chỉ ngay ra được cách họ thể hiện giới, những sự bắc cầu, suy ra đều mang tính tương đối, và khác biệt đối với mỗi cá nhân.

Ngoài ra, đại từ nhân xưng không hoàn toàn phản ánh bản dạng giới của một người. Một người xưng là cô ấy – She/Her có thể là người phi nhị nguyên giới, và một người xưng là anh ấy, hay họ cũng có thể nhận dạng bản thân theo những cách khác nhau.

NHÂN XƯNG LÀ CHUYỆN ĐẠI: PHẢI ĐÚNG TỪ, ĐÚNG CẢNH

“Đại từ nhân xưng rất đơn giản, sao lại phải làm phức tạp lên thế?”. Quan điểm này chắc hẳn không hiếm gặp với nhiều người. Thế nhưng, có 3 điều cần phải khẳng định: 1. Thay đổi là xu hướng phát triển tất yếu, những khái niệm liên tục cập nhật, thoát khỏi giới hạn, khung hẹp của thời đại; 2. Đại từ nhân xưng, mở rộng thêm thì vẫn đơn giản; 3. Đúng, đại từ nhân xưng có tầm quan trọng không hề nhỏ.

Về cơ bản, sự tôn trọng là một trong những nguyên tắc tối thiểu để giao tiếp có thể đạt được hiệu quả, và đó cũng là từ khoá về vai trò của đại từ nhân xưng. Có không ít người phải trải qua quá trình phát triển và đấu tranh dài mới có thể tìm cho mình đại từ nhân xưng, bản dạng giới hay cách thể hiện giới mà họ thấy được tái hiện đúng với bản chất của họ.

Mary Emily O’Hara, giám đốc quan hệ công chúng của GLAAD – tổ chức hoạt động vì cộng đồng LGBTQ+, cho biết “Đại từ nhân xưng chính là cách chúng ta gọi nhau ngoài cách dùng tên riêng trong các cuộc hội thoại. Và khi bạn nói chuyện với người khác, thì đó là một cách đơn giản để mình xác nhận bản sắc của họ. Chẳng hạn như, việc dùng đúng đại từ xưng hô đối với người chuyển giới và phi nhị nguyên giới (cũng là hai cộng đồng dễ bị tổn thương bởi việc gọi nhầm giới – Misgender) là cách để cho họ biết ta hiểu, chấp nhận, và yêu thương con người của họ, khi họ đang bị kỳ thị và phân biệt bởi vô số các định luật và chính sách chống người chuyển giới.” [2]

Vậy, mình xưng hô như thế nào cho phù hợp?

Trước tiên, hãy nói cho người kia cách mình muốn được xưng hô là gì. Rodrigo Heng-Lehtinen, phó tổng giám đốc Trung Tâm Bình Đẳng Giới Mỹ, đưa ra ví dụ “Khi tự giới thiệu, tôi sẽ nói, “Tôi tên là Rodrigo, tôi dùng đại từ xưng hô là ”him”. Còn bạn thì sao?”
O’Hara tâm sự, “Lúc đầu sẽ thấy hơi kỳ, nhưng dần tự lúc nào sẽ thành câu cửa miệng khi chào hỏi”.

Khi đó, chúng ta sẽ nói chuyện với họ bằng bản dạng giới họ cảm thấy phù hợp với mình đối với người chuyển giới. Người chuyển giới dù ở bất kỳ giai đoạn nào, đã qua phẫu thuật hay chưa đều là người chuyển giới, đừng tò mò về “giới tính thật” – giới tính hiện tại của họ là thật. Đối với genderqueer, bạn nên sử dụng dụng đại từ trung tính.

Trong giao tiếp trang trọng, danh xưng Mx. [3] cũng đã được cập nhật để đem đến sự đại diện trung tính hơn bên cạnh Mr., Mrs. hay Ms. Nhiều tổ chức, nguồn tin có độ tin cậy cao cũng khuyến khích người dùng thư điện tử để lại đại từ danh xưng của họ ở phần chữ ký để có thể giao tiếp một cách trơn tru, ít trở ngại nhất.

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính