Đảo trang (cross dress)

Đảo trang (cross dress)

Đảo trang thể hiện giới

Đảo trang (cross dress) là thuật ngữ để chỉ hành động mặc trang phục được xã hội cho là của giới tính khác. Ví dụ như nam mặc váy, trang điểm, làm móng tay, đi giày cao gót.

Thuật ngữ này chỉ diễn tả hành động, không bao hàm ngụ ý nào về nguyên nhân hay động cơ cụ thể cho hành vi mặc đồ của giới tính khác. Người đảo trang có thể là bất cứ ai, người hợp giới, người chuyển giới, phi nhị nguyên… Người đảo trang không phải luôn là người thuộc cộng đồng LGBTQ+.

người đảo trang có thể thuộc cộng đồng lgbt hoặc không

Việc đảo trang có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc ăn mặc trang phục của người khác giới có thể dùng để ngụy trang, ví dụ như nữ giới cải trang nam nhi để được đi học, Mộc Lan giả làm đàn ông để đi đánh giặc thay cha. Đảo trang cũng có thể là một thực hành văn hóa, nghệ thuật, giải trí như việc các nam diễn viên mặc đồ nữ, trang điểm đóng vai đán trong kinh kịch Trung Quốc, nam thanh niên mặc đồ nữ trong điệu múa cổ truyền Con đĩ đánh bồng động viên tướng sĩ của Việt Nam, các drag queen, drag king. Yếu tố đảo trang cũng xuất hiện nhiều trong văn hóa, tôn giáo qua các thần thoại của Hi Lạp, Hindu, Pagan. Một người đảo trang cũng có thể vì sở thích của bản thân, phong cách thời trang của họ, hoặc vì mong muốn thể hiện giới của bản thân.

Mộc Lan đảo trang, giả làm nam nhi đi đánh trận
Mộc Lan đảo trang, giả làm nam nhi đi đánh trận

Disney làm phim Mộc Lan giả nam đi đánh trận và Trung Quốc cấm nghệ sĩ nam “nữ tính”

Trong lịch sử, có nhiều giai đoạn, hoặc ở nhiều quốc gia, tôn giáo khác nhau, đảo trang là việc cấm kỵ. Khoảng giữa thế kỷ 19 và Thế chiến thứ nhất, đảo trang bị cấm trên 45 thành phố ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, phụ nữ và đàn ông có quy định về trang phục riêng biệt. Việc đảo trang bị đánh giá liên quan tới vai trò giới và xu hướng tính dục / bản dạng giới của một người.

Trong suốt thế kỷ thứ XIX, phụ nữ của Anh và Mỹ phải mặc kiểu váy với phần tùng cồng kềnh, khó khăn trong việc di chuyển. Những trang phục này được cho là dấu hiệu nhận biết sự nữ tính, người phụ nữ không thể khoe đôi chân của mình, tránh sự gợi tình khi đàn ông nhìn vào cơ thể của họ. Ngược lại, nam giới mặc quần dài để tiện cho việc di chuyển và làm việc.

Đến đầu thế kỷ XX, khi phụ nữ bắt đầu làm việc trong nhà máy và ngoài xã hội, họ vẫn tiếp tục phải mặc những chiếc váy cồng kềnh, vướng víu. Việc nữ giới đảo trang khi này được coi như một mối đe dọa đến hệ thống quyền lực xã hội, nam giới sợ rằng khi nữ giới thay đổi trang phục thì họ sẽ tự tôn (self-esteem) hơn và quên mất vị trí của mình (trong mối quan hệ nam giới có nhiều quyền lực hơn). Chỉ mãi đến những năm 1950 – 1970, những chiếc quần dài dành cho nữ mới được phổ biến nhờ sự đột phá của thời trang (tiêu biểu là bộ suit Le Smoking dành cho nữ giới của nhà thiết kế Yves Saint Laurent) và sự lăng xê của các ngôi sao như Audrey Hepburn.

thoi trang thuc day binh dang gioi the hien gioi
Bộ suit cho nữ đầy nam tính, thúc đẩy phụ nữ thể hiện bản thân Le Smoking kinh điển

Dưới sự tác động của các diễn ngôn phụ nữ có khả năng làm việc, thực hiện các vai trò xã hội như nam giới hiện nay, khuyến khích phụ nữ ra ngoài làm việc như nam giới, việc nữ giới đảo trang ngày càng phổ biến và được “bình thường hóa”. Xã hội cũng có cái nhìn khác về họ, thậm chí việc nữ giới mặc suit sẽ mang lại cảm giác chuyên nghiệp, quyền lực hơn. Thuật ngữ người đảo trang (cross dresser) vì thế cũng dần được ngầm hiểu chỉ về nam giới mặc đồ nữ giới.

Trong khi việc nữ giới đảo trang được bình thường hóa, thì một người nam mặc váy, hay mặc đồ sặc sỡ, trang điểm cầu kỳ vẫn thu hút nhiều sự chú ý và soi xét của xã hội một cách tiêu cực. Ngay cả trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí – nơi đề cao sự sáng tạo và tự do cá nhân, một nam nghệ sĩ mặc váy lên thảm đỏ hay chụp hình tạp chí dễ dàng trở thành chủ đề bàn tán về xu hướng tính dục, kỳ thị ngoại hình “không được đàn ông” “ẻo lả”. Tháng 9/2022, Trung Quốc cấm các nghệ sĩ nam trang điểm, ăn mặc, có cử chỉ “nữ tính hóa”. Khi nữ giới “nam tính hóa” được coi là sự tiến bộ hoàn thiện bản thân hơn, thì nam giới “nữ tính hóa” lại được coi là sự thụt lùi, không đủ phẩm chất làm “đàn ông”. Bản chất của góc nhìn này vẫn xuất phát từ cấu trúc quyền lực đề cao tính nam hơn tính nữ trong xã hội.

nam giới đảo trang có thể nhận được nhiều phản hồi tiêu cực

Trang phục vốn không có giới tính, việc mặc quần áo như thế nào là quyền tự do của mỗi người. Chúng ta có thể tự tin mặc những món đồ mình thích, dù cảm giác nó mang đến là thô ráp, mạnh mẽ hay mềm mại, dịu dàng, và cần tôn trọng sở thích, trang phục ăn mặc của người khác. Việc kỳ thị trang phục hay võ đoán để kỳ thị bản dạng giới / xu hướng tính dục của một người qua trang phục của họ là khiếm nhã.

Tài liệu tham khảo:

  • Arresting dress: A timeline of anti-cross-dressing laws in the United States https://www.pbs.org/newshour/nation/arresting-dress-timeline-anti-cross-dressing-laws-u-s
  • A Critical Exploration of Cross-dressing and Drag in Gender Performance and Camp in Contemporary North American Drama and Film https://tspace.library.utoronto.ca/bitstream/1807/13142/1/NQ41312.pdf
  • Cross-Dressing https://www.encyclopedia.com/fashion/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/cross-dressing
  • Gender Expression and Cross-dressing https://www.icj.org/sogi-casebook-introduction/chapter-seven-gender-expression-and-cross-dressing/
  • Phụ nữ được mặc quần dài từ khi nào? https://zingnews.vn/phu-nu-duoc-mac-quan-dai-tu-khi-nao-post1250509.html
  • Our Cross-Dressing Ancestors https://www.messynessychic.com/2017/10/24/our-cross-dressing-ancestors/
  • Why Was Crossdressing Illegal? https://www.youtube.com/watch?v=HaK3IxZJbto
Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính