#Mở_khóa_từ: Tính nam độc hại (Toxic masculinity)
Theo từ điển Cambridge, tính nam độc hại (toxic masculinity) là những quan niệm về việc nam giới nên-hành-động-như-thế-nào gây ra những tổn thương cho bản thân họ và mọi người xung quanh, xã hội. Ví dụ như quan điểm con trai phải mạnh mẽ, không được khóc hay đàn ông luôn phải một mình đứng đầu sóng ngọn gió để chứng tỏ bản lĩnh của mình, v.v…
Những quan niệm này thường có một số nội dung sau:
- Đàn ông cần kìm nén cảm xúc “yếu đuối”, nỗi buồn
- Luôn duy trì vẻ cứng rắn, mạnh mẽ
- Đàn ông phải luôn giữ vị trí độc lập, thống trị
- Quan niệm bạo lực như một cách thể hiện sức mạnh
Bài viết này Genderation sẽ đưa ra một số dấu hiệu để nhận diện tính nam độc hại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Rất mong nhận được sự bổ sung ý kiến từ mọi người.
“Đàn ông lên! Mạnh mẽ lên! Không được khóc”
Một trong những định nghĩa độc hại về sự mạnh mẽ ở nam giới là không được khóc, không được bộc lộ những cảm xúc “yếu đuối”, “mềm lòng” của bản thân mình cho người khác thấy. Tư tưởng này khiến nam có xu hướng luôn phải gồng mình lên, kìm nén những cảm xúc của bản thân. Từ đó có thể xuất hiện xu hướng hạn chế chia sẻ cảm xúc của bản thân mình với người khác, có thể dẫn tới việc bộc lộ cảm xúc dồn nén một cách tiêu cực như bạo lực hay gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu…
Con trai cùng là người và có đầy đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Tuyến lệ sinh ra cũng có vai trò riêng của nó. Một người mạnh mẽ là người dám đối diện và thể hiện cảm xúc thật của bản thân mình. Sự chia sẻ về cảm xúc, cảm nhận cá nhân cũng là một các tốt để gắn kết tình cảm trong các mối quan hệ.
“Con trai là nạn nhân bạo hành á? Nực cười!”
“Nam giới không được phép là nạn nhân của bạo hành. Nếu có, đó là nỗi nhục của họ.” Giống như quan điểm cho rằng con trai không được phép yếu đuối, không được phép rơi nước mắt, họ cũng không bao giờ được chấp nhận là một nạn nhân, kẻ yếu thế hơn bị bạo hành.
Tuy nhiên, có đến 13,6% nam giới phải chịu bạo lực gia đình, 9,2% nam giới (tương đương 2,1 triệu nam giới) là nạn nhân bị lạm dụng (phi tình dục) trong năm 2017 – 2018 ở Anh theo số liệu của ManKind Initiative – một tổ chức cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân nam của lạm dụng và ngược đãi trong gia đình tại Vương quốc Anh và ONS – Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố (4). Ở Mexico, con số này là 25% (5). Theo số liệu của Cục Thống kê Tư pháp Hoa Kỳ, 9% nạn nhân hiếp dâm là nam giới (6).
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại luôn thiếu sự hiện diện của những người phải chịu bạo hành là nam giới. Các tổ chức hỗ trợ dành cho nam giới cũng ít hơn rất nhiều. Các nạn nhân nam giới chịu bạo hành cũng thường có xu hướng không thể hiện, cất lên tiếng nói bảo vệ mình. Có lẽ một trong những lý do họ chịu là những quan điểm độc hại rằng nam giới không thể là kẻ yếu, bị thua cuộc, bạo hành hay cần người khác bảo vệ mình.
“Nam vô tửu như cờ vô phong”
Một định nghĩa về sự nam tính khác là phải biết thể hiện mình qua các cuộc vui, chất kích thích như rượu, bia. Trong quan niệm của một số người, tửu lượng trở thành thước đo của tính đàn ông.
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm và lệch lạc. Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào không tốt cho cơ thể chúng ta khi sử dụng bừa bãi và bị mang ra làm thước đo con người.
Một người trưởng thành có trách nhiệm với bản thân là biết từ chối, sử dụng rượu, bia đúng nơi, đúng chỗ, đúng liều lượng phù hợp với bản thân. Và không bao giờ nài ép, đo đếm người khác bằng số chén rượu.
“Đàn ông phải độc lập vào. Đừng dựa dẫm, nhờ vả người khác.”
Quan điểm “độc lập” = một mình đối đầu với mọi thứ, không nên nhờ giúp đỡ của người khác này là độc hại, không chỉ dành cho nam giới mà còn dành cho mỗi chúng ta. Tư tưởng này đẩy nam giới vào thế cô lập với suy nghĩ cần phải xoay xở mọi điều một mình nếu không rất mất mặt. Tuy nhiên, nhân vô thập toàn, có ai biết được mọi thứ trên thế gian này? Việc nhờ vả sự giúp đỡ của người khác có thể giúp bạn nhanh chóng giải quyết vấn đề của mình và thực hiện nhiều việc khác hơn cũng như xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp hơn.
“Con trai đừng thích màu hồng, ẻo lả lắm!”
Đàn ông thì không được thích màu không, được phép có các thói quen, sở thích “nữ tính” như thêu thùa, đan len, làm thủ công, chăm sóc da mặt… Quan niệm sai lầm này hạn chế sự thể hiện cá tính của nam giới. Giống như những quan niệm khác, đẩy họ vào những chiếc hộp “thích màu xanh”, “thích chơi bắn súng”… mà không quan tâm đến nguyện vọng của bản thân họ là gì, thậm chí trong việc tìm những điều khiến mình thấy vui vẻ.
“Con trai đừng để ý những chuyện vặt vãnh, không cần biết nấu cơm!”
Đây là quan niệm “làm trai phải đáng nên trai”, phải để tâm và làm những chuyện lớn lao sánh ngang với nhật nguyệt chứ không được phép làm những điều nhỏ bé, “vặt vãnh” như làm việc nhà.
Tuy nhiên, làm việc nào là lựa chọn dựa trên sở thích và khả năng của mỗi cá nhân. Và những điều nhỏ bé như làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát là kỹ năng cơ bản mỗi người cần biết để sống độc lập và giúp đỡ mọi người.
Tài liệu tham khảo:
- https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/toxic-masculinity
- https://www.nytimes.com/2019/01/22/us/toxic-masculinity.html
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/toxic-masculinity#what-it-is
- https://thanhnien.vn/dan-ong-cung-dang-la-nan-nhan-cua-nguoc-dai-trong-gia-dinh-post980396.html
- https://vnexpress.net/nhung-dan-ong-la-nan-nhan-bao-hanh-gia-dinh-4205422.html#:~:text=Nam%20gi%E1%BB%9Bi%20l%C3%A0%20n%E1%BA%A1n%20nh%C3%A2n,gia%20%C4%91%C3%ACnh%20l%C3%A0%20nam%20gi%E1%BB%9Bi