Mở khóa từ: Media Literacy

Mở khóa từ: Media Literacy

MEDIA LITERACY LÀ GÌ?

Media literacy là khả năng truy cập, phân tích, đánh giá, tạo ra và sử dụng mọi loại phương tiện truyền thông.

Theo National Association for Media Literacy Education, Media Literacy được định nghĩa là “The ability to access, analyze, evaluate, create, and act using all forms of communication”.

PHÂN TÍCH CỤM TỪ MEDIA LITERACY

Để làm rõ hơn, chúng ta sẽ cùng phân tích hai từ media và literacy trong cụm media literacy.
Từ “media”, được dịch là các phương tiện truyền thông, dùng để chỉ tất cả mọi phương tiện điện tử, kỹ thuật số, hình ảnh in ấn, hoặc ấn phẩm nghệ thuật thị giác mà dùng để truyền tải thông điệp. Chúng ta có một loạt các ví dụ như sách, phim, tranh vẽ, bài hát, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử, báo chí, podcast, video âm nhạc, báo in, diễn đàn trên mạng, phiếu giảm giá, thư gửi qua email, những dòng status trên Facebook, bức ảnh hồi nhỏ mà bạn đăng trên Instagram, hóa đơn, biển báo giao thông, băng-rôn, áp-phích cổ động.

Từ “literacy”, theo từ điển Cambridge, có nghĩa là trình độ học vấn hoặc kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Trong ngữ cảnh này, “literacy” được hiểu là sự hiểu biết và các khả năng, kỹ năng liên quan đến truyền thông.
Cụm từ media literacy chưa có cách dịch chính thức trong tiếng Việt. Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể được dịch là “tri tạo truyền thông” theo TS Nguyễn Thu Giang.

VÌ SAO MEDIA LITERACY QUAN TRỌNG

Vào thời điểm hiện tại, các phương tiện truyền tải thông tin và giải trí ngày càng phức tạp và đa dạng, đã và đang tác động đến chúng ta ở mức độ đa giác quan, ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Như nhạc sĩ Ani DiFranco từng nói “Nghệ thuật mô phỏng cuộc sống, nhưng cuộc sống lại mô phỏng tivi” – “Art may imitate life, but life imitates TV”.

Vì thế, mỗi cá nhân cần phải có một lượng kiến thức nhất định để hiểu được tác động của những phương tiện này lên cuộc sống của chính mình và để có khả năng tạo ra và lan truyền những thông điệp ta muốn một cách hiệu quả và có trách nhiệm.

Những chương trình giảng dạy về media literacy dạy chúng ta cách đặt câu hỏi và phân tích về những thứ chúng ta xem, thấy, nghe, và đọc. Ví dụ như khi tiếp cận một bài viết, ta cần xác định tác giả là ai, mục đích của họ là gì, góc nhìn của họ xuất phát từ đâu, thông điệp này nhắm đến đối tượng độc giả nào, ai được lợi từ sự lan truyền của thông điệp này, thông điệp họ muốn nói hoặc thông tin họ muốn truyền đạt là gì, phần nào của sự thật đã không được nhắc đến trong bài viết, thông tin được nêu là thông tin khách quan có thể kiểm chứng được hay là ý kiến chủ quan. Từ đó ta có thể phát hiện tin giả, phát hiện những sự kiểm duyệt, sự thiên vị trong các mẩu tin tức, hay những thông tin quảng cáo thiếu khách quan nhắm đến người tiêu dùng.

MEDIA LITERACY TRONG LĨNH VỰC GIỚI

Các sản phẩm truyền thông có thể mang các khuôn mẫu và định kiến trong đó và tác động tới người xem, dù ở mức độ tiềm thức hay hiển hiện ở mức độ ý thức. Có những khuôn mẫu và định kiến rất hiển hiện dễ phát hiện, nhưng có những khuôn mẫu lại ngấm ngầm nằm bên dưới ấn phẩm truyền thông, cần phải có kỹ năng truy vấn, phân tích mới phát hiện ra được. Có thể lấy ví dụ cụ thể là một quảng cáo dầu ăn từng được chiếu trên VTV3. Trong quảng cáo này, hình ảnh người phụ nữ được khắc họa là người duy nhất đảm nhiệm việc nội trợ, các thành viên khác trong gia đình chỉ ngồi nhận sự chăm sóc. Không chỉ dừng lại ở mặt khắc họa hình ảnh nhân vật, quảng cáo còn xuất hiện một tagline cả dưới dạng âm thanh qua giọng đọc lẫn dòng chữ trên màn hình: “Ngon cho chồng, tốt cho con, tuyệt vời cho cả gia đình”. Câu tagline này ẩn chứa hàm ý rằng người trực tiếp sử dụng dầu ăn để nấu ăn trong gia đình chỉ có người phụ nữ, vì người phụ nữ thì mới muốn dùng một loại dầu ăn mà “ngon cho chồng, tốt cho con”. Nếu không ẩn chứa hàm ý và giả định ngầm rằng chỉ có phụ nữ mới làm nội trợ, thì câu tagline này đã không sử dụng cụm “ngon cho chồng”. Không chỉ quảng cáo này mà còn nhiều quảng cáo cáo các sản phẩm chăm sóc nhà cửa và bếp núc khác, dù nhìn qua có thể thấy hình ảnh vui tươi và không đả kích ai, nhưng luôn lặp đi lặp lại hình ảnh chỉ có phụ nữ là làm bếp và làm việc nhà. Điều này đã củng cố khuôn mẫu rằng nội trợ trong gia đình mặc định là nghĩa vụ và vai trò của chỉ riêng phụ nữ.

Nhà nghiên cứu truyền thông William Gamson từng nhận định rằng: “Nói tóm lại, tin tức cho chúng ta biết về một thế giới đã được đóng gói” – “In short, news presents a packaged world”. Bất kỳ sản phẩm truyền thông nào cũng được tạo ra có chủ ý bởi một ai đó, và đã được trình bày và chọn lọc dựa theo góc nhìn về thế giới của họ, và vì thế sản phẩm đó không thể nào trình bày được thế giới thực tế một cách khách quan hoàn toàn. Nếu người xem, người đọc tiếp nhận thông tin một cách thụ động, không đặt câu hỏi, không đối chiếu và phân tích, thì có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những thông điệp đó một cách tiêu cực. Ví dụ như không nhận ra mình đang vô thức thu nạp thêm định kiến hoặc khuôn mẫu giới khi tiêu thụ truyền thông. Khép lại, media literacy quan trọng trong việc tiếp nhận thông điệp từ sản phẩm truyền thông nói chung và cả trong lĩnh vực giới.

Tham khảo:

Media Literacy Defined

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính