TÍNH DỤC HÓA TRONG ÂM NHẠC: LẰN RANH GIỮA GIẢI QUYẾT VÀ DUY TRÌ ĐỊNH KIẾN GIỚI

TÍNH DỤC HÓA TRONG ÂM NHẠC: LẰN RANH GIỮA GIẢI QUYẾT VÀ DUY TRÌ ĐỊNH KIẾN GIỚI

image 9

#Bóc_hành_không_cay_mắt

“Sashimi” – MV mới nhất của nữ ca sĩ Chi Pu gần đây đã chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng vì việc tính dục hóa và vật hóa phụ nữ. Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng Vậy thì tính dục hóa và vật hóa là gì? Tại sao nó lại xuất hiện trong âm nhạc? Và nó có liên quan gì đến bình đẳng giới? Đây là những câu hỏi mà Genderation sẽ giúp bạn trả lời qua bài viết sau đây.

TẠI SAO LẠI CÓ TÍNH DỤC HÓA PHỤ NỮ TRONG CÁC MV?

image 10

Trước tiên, cần phải làm rõ rằng không phải mọi sản phẩm âm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ nữ đều xảy ra sự tính dục hóa. Tuy nhiên đối với những bài nhạc nói về tình dục hay có yếu tố của tính dục hóa, thì phụ nữ hầu như luôn là đối tượng phải “hy sinh vì nghệ thuật”. Tại sao điều này lại xảy ra? Câu trả lời phổ biến là: sex sells.

Trong lịch sử, âm nhạc thường không mang yếu tố tình dục, hoặc nếu có thì cũng thường được ẩn ý trong ca từ. Trên thực tế, ở châu Âu thời kỳ Trung đại, âm nhạc thậm chí thường chỉ xuất hiện trong các nhà thờ Thiên chúa giáo và được thể hiện bởi các tu sĩ [1]. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, tình dục trong âm nhạc không chỉ được bộc lộ một cách trực diện hơn, mà còn ngày càng trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Trong đó đóng vai trò lớn có sự xuất hiện của hình thức sản xuất nội dung âm nhạc mới: MV (music video).

Sự xuất hiện của MV đã mở đường cho việc hình thành một thói quen mới cho khán giả. Âm nhạc lúc này không chỉ cần thỏa mãn phần nghe, mà còn là phần nhìn nữa. Việc khai thác đề tài tình dục hoặc tính dục hóa về mặt hình ảnh có thể giúp thu hút những người nghe tò mò và cả nhóm khán giả tiềm năng. Và trong một xã hội gia trưởng thì phụ nữ chính là nhóm đối tượng tiềm năng và dễ bị tính dục hóa nhất.

SỰ VẬT HÓA CỦA PHỤ NỮ TRONG CÁC MV MANG YẾU TỐ TÌNH DỤC

image 11

Vào năm 2011, Jennifer Stevens Aubrey và Cynthia M. Frisby đã xuất bản một bài nghiên cứu phân tích về sự vật hóa của các nghệ sĩ trong các MV [2]. Trong đó khái niệm “vật hóa” được hiểu là sự đánh giá cơ thể (một phần hay toàn bộ) như một đối tượng để sử dụng hay tiêu thụ bởi người khác. Trong 147 MV, các nghệ sĩ nữ là nhóm thường phải để lộ nhiều bộ phận cơ thể hơn nhằm tăng sự thu hút (thay vì các yếu tố mang tính kỹ thuật khác).

Thông thường, trong các MV này phụ nữ thường bị trình hiện như một thứ đồ trang sức hay chiến lợi phẩm của nghệ sĩ chính (thường là đàn ông). Sự trình hiện này có thể khiến cho khán giả, đa phần là đàn ông, tin rằng phụ nữ ngoài đời thật cũng bị động, vô dụng, và phụ thuộc giống những hình ảnh họ xem được trên MV. Còn với những khán giả nữ, họ cũng có thể sẽ tin rằng việc càng ăn mặc thiếu vải thì càng tăng sự cuốn hút của mình, và rằng sự tồn tại của bản thân là để phục vụ cho đàn ông. Đây chính là nhãn quan nam giới (male gaze) của thời hiện đại.

Một ví dụ cụ thể có thể được lấy ra để phân tích là MV “Sashimi” của nữ ca sĩ Chi Pu mới phát hành và nhận nhiều ý kiến trái chiều gần đây. Trong MV và cả trong lời bài hát, hình ảnh “sashimi” xuất hiện nhiều lần như ẩn dụ cho người phụ nữ được trình hiện dưới dạng một “món ăn”. Mặc dù nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã phản hồi rằng ca khúc mà anh viết chỉ nhằm mục đích giải trí, nhưng việc vật hóa người phụ nữ cũng đã góp phần củng cố cho nhãn quan nam giới hiện đại ở Việt Nam [3].

TỰ TÍNH DỤC HÓA: GIẢI PHÓNG HAY PHẢN CHIẾU CỦA MALE GAZE

image 12

Có lập luận cho rằng, các MV đúng là thường tính dục hóa và vật hóa phụ nữ, khắc họa họ như những đối tượng để bị tiêu thụ. Thế nhưng, khi các nghệ sĩ nữ quyết định giành lấy sự tự chủ và tự tính dục hóa bản thân, thì vị trí của phụ nữ đã được thay đổi thành “kẻ bị nhìn” thành “kẻ nhìn”. Như vậy việc tự tính dục hóa bản thân không chỉ thoát khỏi khuôn khổ của nhãn quan nam giới, mà còn trao quyền cho người phụ nữ được tự do nói về tình dục và ham muốn của mình [4]. Thế nhưng liệu rằng việc chỉ đơn giản như vậy?

Việc tự tính dục hóa, đúng là thể hiện sự tự chủ của nghệ sĩ, nhưng nó vẫn hoàn toàn có thể rơi vào nhãn quan nam giới. Bởi nhãn quan này không chỉ đến từ nam giới, mà nó đã có sự hình thành và bám rễ trong tâm thức của đa số khán giả như một mã văn hóa sẵn có và được củng cố trong truyền thông đại chúng. Không ai có thể tách mình khỏi văn hóa để khẳng định bản thân không bị ảnh hưởng bởi nhãn quan nam giới được.

Vì vậy, việc nghệ sĩ tự tính dục hóa bản thân trong MV cần phải được cân nhắc rất nhiều. Đồng thời, họ cũng cần chịu trách nhiệm với thông điệp mà mình muốn truyền tải khi sử dụng tính dục hóa trong MV và suy tính đến những tác động của nó đến khán giả. Bản thân công chúng cũng cần tăng cường khả năng phê phán và hình thành suy nghĩ của riêng mình khi tiếp cận với những sản phẩm truyền thông này.

Nguồn tham khảo:

[1] [4] Sexualisation in music: liberation or objectification? | Cherwell

https://www.cherwell.org/…/sexualisation-in-music…/

[2] Aubrey, Jennifer & Frisby, Cynthia. (2011). Sexual Objectification in Music Videos: A Content Analysis Comparing Gender and Genre. Mass Communication and Society. 14. 475-501. 10.1080/15205436.2010.513468.

https://www.researchgate.net/…/233027814_Sexual…

[3] Tóm Lại Là: Cởi mở hay “cởi dở” trong âm nhạc? | Vietcetera

https://vietcetera.com/…/tom-lai-la-coi-mo-hay-coi-do…

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính