“Nữ giới đã có nhiều quyền lợi rồi, cần gì trao quyền nữa”
Có thực sự như vậy không ?
ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC
Trao quyền cho nữ giới (women’s empowerment) theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc bao gồm 5 yếu tố chính: (1) Ý thức về giá trị bản thân; (2) Quyền được đưa ra các quyết định và lựa chọn; (3) Quyền được tiếp cận với các cơ hội và nguồn lực; (4) Quyền được kiểm soát cuộc sống của chính mình, cả trong và ngoài phạm vi gia đình; (5) Khả năng tác động để góp phần tạo nên một trật tự xã hội và kinh tế công bằng hơn, trên phạm vi quốc gia và quốc tế. [1]
Trao quyền ở đây không chỉ là bảo đảm những quyền lợi căn bản vốn dĩ nữ giới – với tư cách là một con người – được hưởng, mà còn là chấp nhận và trao cho họ cơ hội và những công cụ cần thiết để có thể có được quyền lực và làm chủ cuộc sống của chính mình.
Sự ra đời của khái niệm “trao quyền nữ giới” gắn với các giai đoạn của phong trào nữ quyền trong lịch sử, với ba làn sóng lớn: làn sóng thứ nhất (1849-1920) đấu tranh cho bình đẳng chính trị; làn sóng thứ hai (1963-1980) thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực pháp lý và nghề nghiệp; làn sóng thứ ba (những năm 1990) thúc đẩy bình đẳng trong các vấn đề xã hội.
Ngày nay xã hội có thể thực hành trao quyền cho nữ giới thông qua cung cấp giáo dục đào tạo, các cơ hội và môi trường bình đẳng trong việc làm, chính trị, nâng cao nhận thức nói chung của cộng đồng về bình đẳng giới, tạo không gian cởi mở để tăng cường sự đại diện và khuyến khích các trường hợp chịu bất công lên tiếng,…
Truyền thông hiện nay đang làm tốt vai trò lan tỏa nhận thức và đóng góp vào công cuộc trao quyền cho nữ giới, tiêu biểu có thể kể đến các phong trào và chiến dịch như #MeToo, #HeForShe, #LikeAGirl,… đã gây tiếng vang và là những phát súng cảnh tỉnh thực trạng bất bình đẳng giới với nữ trên toàn cầu.
Tại sao vẫn cần phải trao quyền cho nữ giới?
Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn chưa đạt được trạng thái bình đẳng giới, nữ giới vẫn ở vị thế yếu hơn trong các lĩnh vực của đời sống: phải làm “ca hai” là các công việc nội trợ ở nhà, đối mặt với định kiến của xã hội về năng lực và vai trò của nữ giới, thiếu sự hiện diện của nữ giới trong các lĩnh vực chính trị, công nghệ, vai trò lãnh đạo,…
Theo Liên hợp quốc, chưa có quốc gia nào trên thế giới đạt được bình đẳng giới và sẽ không có quốc gia nào có thể đạt được bình đẳng giới vào năm 2030 nếu dựa trên tốc độ tăng trưởng hiện tại. [2]
Trao quyền cho phụ nữ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và xã hội nói chung, vì khi nữ giới được tạo điều kiện để phát huy hết tiềm năng của mình, họ có thể giúp mang lại cuộc sống tốt hơn cho chính bản thân mình và gia đình, đóng góp các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và lợi ích của xã hội nói chung.
Có một nguyên tắc quan trọng trong thực hành trao quyền cho phụ nữ, chẳng hạn như để một người được trao quyền, họ phải xuất phát từ vị trí chưa được trao quyền. Điều này được rút ra từ chủ nghĩa Nữ quyền giao thoa (intersectional feminism), rằng cần chú ý các yếu tố khác nằm ngoài giới như chủng tộc, địa vị xã hội, văn hóa để bao hàm được các nhóm có nguy cơ chịu áp bức cao hơn như nữ giới gốc Á, nữ giới thuộc cộng đồng LGBTQ+ và đặc biệt là nữ giới da màu.
#GenderationVietnam #TuvaCommunication #OxfaminVietnam #EuropeanUnion #GenderEquality #YouthandGender #binhdanggioi #dinhkiengioi #EUfunded