Việc bất chợt có kinh nguyệt khi đang ở lớp học có lẽ đã tạo ra nhiều sự lo lắng, bối rối, thậm chí thành mặc cảm của nhiều bạn nữ. Vì kinh nguyệt vẫn là một thứ taboo, điều cấm kỵ được nhắc tới, bàn luận, thậm chí có quan niệm cho rằng kinh nguyệt mang tới sự xui xẻo. Ở Nepal, nhiều cộng đồng vẫn duy trì hủ tục đuổi phụ nữ ra khỏi nhà mỗi khi họ đến kỳ kinh nguyệt. Ở Việt Nam ta ngày xưa, các cụ gọi ngày kinh nguyệt là ngày “bẩn mình”, và bị cấm tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng: không được lên tàu, không được tới gần vại mắm, không được tới đình, chùa… Phụ nữ được dạy rằng không được để lộ kinh nguyệt của mình.
Nhưng mà thực ra, kinh nguyệt là thứ hoàn toàn tự nhiên thuộc về cấu tạo cơ thể, khó có thể can thiệp (biện pháp can thiệp nào cũng mang tới tác dụng phụ). Vậy nên hoàn toàn không có chuyện “lỡ” – tình thái từ thể hiện sự không may, có lỗi ở đây, không ai cần cảm thấy có lỗi vì cấu tạo cơ thể của mình cả. Chu kỳ kinh nguyệt còn giúp bạn theo dõi sức khỏe của mình, chu kỳ đều đặn là điềm báo an lành cho sức khỏe tốt. Hiện nay nhờ sự đấu tranh của nhiều tổ chức, cá nhân và phong trào nữ quyền, kinh nguyệt đã dần được bình thường hóa.
Tuy nhiên, đối với các bạn học sinh trong độ tuổi dậy thì, có tâm lý nhạy cảm, xoay xở với kỳ kinh nguyệt bất ngờ vẫn luôn khó khăn. Để đón kỳ kinh nguyệt tốt hơn, chúng ta có thể tự chuẩn bị bằng cách theo dõi những biến đổi của cơ thể, tính chu kỳ, mang băng vệ sinh dự phòng… và cư xử thân thiện, giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Hành động này không thuộc về riêng giới nào. Giúp bạn đau bụng kinh xin thuốc ở phòng y tế, bê đồ nặng hay cho bạn mượn áo khoác để che đi vệt máu lem trên váy khi bạn ngại… chúng ta ai cũng có thể làm được đúng không?
Bạn có thể chia sẻ một trải nghiệm về kỳ kinh nguyệt của mình hay đã giúp ai đó trong kỳ kinh nguyệt ở trường hay ở nơi công sở không?
Cảm ơn Ghét rửa bát đã cho mình sử dụng video minh họa. Video này được sử dụng trong bài viết được dịch và thuộc sở hữu bởi Ghét rửa bát, vui lòng không reup khi chưa được sự đồng ý.