#Tưởng_thế_là_hay
“Đàn ông 10 người đã hết 8 người thích “ăn hải sản”, đó là chuyện bình thường”
“Phụ nữ phải hấp dẫn để giữ chân chồng”
Đây là những phát ngôn gây tranh cãi của một số người nổi tiếng trên truyền thông gần đây xoay quanh scandal tình dục của hai nam nghệ sĩ Việt Nam tại nước ngoài. [1]
“Phụ nữ phải hấp dẫn để giữ chân chồng” là quan điểm được rút ra từ phát ngôn của nhiều người nổi tiếng trên truyền hình và mạng xã hội, có thể kể đến: nhà báo Trác Thúy Miêu, đạo diễn Lê Hoàng, diễn viên Đức Thịnh,…. Khái niệm “hấp dẫn” trong ngữ cảnh này được hiểu là chăm chút cho nhan sắc và chủ động trong câu chuyện sinh lý. Quan điểm này cho rằng người phụ nữ phải biết làm cho bản thân “hấp dẫn” thì chồng mới không đi lăng nhăng ở bên ngoài, mới bảo vệ được tổ ấm.
Vấn đề chung được nhắc đến trong những cuộc thảo luận là vai trò của nam giới – nữ giới trong giữ gìn hạnh phúc gia đình, cụ thể là mối quan hệ vợ – chồng.
Đây là những khuôn mẫu giới được kiến tạo dựa trên định kiến xã hội về vai trò và bản chất của nam giới, nữ giới. Cụ thể là khuôn mẫu tính nam – cho rằng nam giới thường là những người đào hoa, do đó bình thường hóa việc đàn ông ngoại tình. Bên cạnh đó phụ nữ bị chỉ trích vì vợ không biết giữ chồng nên chuyện này mới xảy ra, từ đây dẫn đến quan điểm thứ hai cho rằng người phụ nữ phải luôn biết làm cho bản thân mình hấp dẫn, thu hút trong mắt nửa kia.
NAM GIỚI – BỊ GÁN VỚI BẢN CHẤT “ĐÓI KHÁT TÌNH DỤC”
Sử dụng danh từ chung “phụ nữ”, “đàn ông”, các quan điểm trên đang đánh đồng tất cả nam giới Việt Nam, gán cho họ đặc tính “trăng hoa”, “ham của vui vật lạ”, cho rằng đây vốn dĩ là bản chất, hay một “văn hóa” của những người đàn ông. Có thể hiểu, quan điểm này không nhìn nam giới dưới góc độ là những người có lý trí, có khả năng kiểm soát ham muốn và bản thân mà chỉ giác ngộ phần “con” với khao khát và bản năng tình dục. Đồng thời, nó ẩn ý rằng đã là nam giới thì luôn chủ động, thích tấn công, “yêu bằng mắt” và không chung thủy.
Ảnh hưởng tiêu cực của định kiến này đối với nam giới có thể thấy trong các trường hợp người nam bị quấy rối tình dục.
“Tấn công tình dục có thể xảy ra với bất kỳ ai….Đàn ông và trẻ em trai bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục có thể có nhiều cảm xúc và phản ứng giống như những người sống sót sau vụ tấn công tình dục khác, nhưng họ cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức khác do thái độ và định kiến của xã hội về đàn ông và nam tính.” — Mạng lưới quốc gia chống bạo lực tình dục Mỹ (RAINN) [2]
Thống kê năm 2014 của Dự án Luật Nhân quyền và sức khỏe Mỹ cho thấy 38% nạn nhân trong các vụ bạo lực tình dục là nam giới [3]. Trong khi đó, 68.6% các nạn nhân tố cáo thủ phạm là nữ. [4]
Định kiến đàn ông là “chủ thể” của dục tính khiến nạn nhân nam chịu nhiều áp lực khi bị dồn vào vị thế của kẻ bại trận (về mặt “nam tính”) và nạn nhân (về mặt tình dục). Họ thường bị coi là trò đùa khi nói về việc là nạn nhân, hay thậm chí sẽ bị nghi ngờ về tính xác thực và chịu dè bỉu “được chú ý vậy sướng thế còn gì”, mỉa mai “có phải là đàn ông không thế?”…
NỮ GIỚI – BỊ ĐỔ LỖI DƯỚI NHÃN QUAN NAM GIỚI (MALE GAZE)
Tư tưởng này cho thấy sự đối xử không công bằng với nữ giới, nhất là những người vợ, những người bạn gái, xem nhẹ cảm xúc, nỗi đau của họ; biến phụ nữ thành nạn nhân khi yêu cầu họ phải thông cảm và nhẫn nhịn vì bi kịch tình cảm xảy ra xuất phát từ một “lẽ thường tình” – bản chất của đàn ông.
Quan điểm “phụ nữ phải hấp dẫn để giữ chồng” chịu ảnh hưởng của cái-gọi-là nhãn quan nam giới (male gaze), cho rằng nữ giới chỉ có vai trò thỏa mãn đàn ông, cụ thể ở đây là trong chuyện tình dục. Quan điểm này không chỉ củng cố xu hướng vật hoá, tính dục hoá nữ giới thông qua nhãn quan nam giới, mà trong một số trường hợp, nó gián tiếp đổ một phần lỗi cho phụ nữ khi đối phương của họ ngoại tình với diễn ngôn “không đủ hấp dẫn”, hay đặc biệt trong những vụ quấy rối tình dục với vấn đề đổ lỗi nạn nhân (victim blaming).
Theo quan điểm trên, hành vi quấy rối tình dục của nam giới được bình thường hóa và dư luận có xu hướng chĩa mũi dùi vào nạn nhân nữ giới (do ăn mặc táo bạo, đi về đêm khuya…). Nạn nhân sẽ phải chịu những đả kích nặng nề, rất có khả năng họ bị đổ lỗi, rằng chính mình tự phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của bản thân vì ngoài kia là những người đàn ông không thể và cũng không cần kiểm soát dục tính.
Lấy ví dụ vụ việc cô gái bị “yêu râu xanh” sàm sỡ ngay trên đường phố Hà Nội gần đây, khi các trang thông tin đưa bài về vấn đề này, rất nhiều người bày tỏ sự bức xúc với hành động của kẻ quấy rối nhưng cũng không ít người có những bình luận công kích nhắm vào nạn nhân: “Ăn mặc như vậy trách ai bây giờ”, “phạt vì ăn mặc gây mất mỹ quan, tạo điều kiện kích thích phạm tội”… [5]
BÌNH THƯỜNG HÓA HÀNH VI NGOẠI TÌNH ĐỐI VỚI NAM GIỚI
Như đã nhắc tới trước đó, các quan điểm trên đang gián tiếp bình thường hóa hành vi ngoại tình, cho rằng xu hướng ngoại tình của nam giới là điều bình thường. Chưa nói đến tính đúng sai của vấn đề, thử lật lại với nữ giới, nếu ngoại tình thường sẽ bị lên án gắt gao hơn rất nhiều so với nam giới. Đây là tiêu chuẩn kép giữa nam và nữ: nam giới nhiều bạn tình thường được coi là “đào hoa”, trong khi phụ nữ bị gọi là “lẳng lơ”.
Đáng nói, tư duy này bỏ qua tất cả các giá trị cốt lõi khác của một mối quan hệ để trở nên bền vững (sự tin tưởng, sự thấu hiểu lẫn nhau, nỗ lực bình đẳng cả hai phía…). Giá trị của một con người ở đây cũng bị hạ thấp, bất kể là nam hay nữ trong trường hợp này, chỉ được đánh giá qua nhu cầu và khả năng thỏa mãn bản năng tình dục của họ, chứ không phải là phẩm chất, tính cách.
Tin vào quan điểm này cũng khiến một số người (cả nam và nữ) không còn tin vào sự chung thủy, tin vào tình yêu chân thành nữa. Những người sống với lối suy nghĩ này dường như không coi trọng chính bản thân mình và đối phương của họ.
Một điểm quan ngại cần chú ý thêm là trẻ em cũng không nằm ngoài nhóm bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực bởi các quan điểm trên. Tiếp cận với lối suy nghĩ như vậy hoặc phải chứng kiến ví dụ thực tiễn từ người lớn trong gia đình có thể phát triển tư duy theo hướng lệch lạc, góp phần duy trì, củng cố định kiến và bất bình đẳng giới ở các thế hệ sau.
ĐIỀU THẬT SỰ QUAN TRỌNG!
Kết luận: Giữ gìn hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của cả hai bên, trong phạm vi phân tích của bài viết này là cả vợ và chồng, chứ không chỉ thuộc riêng về một ai cả.
Cần phải nhấn mạnh rằng, tình dục chỉ là một khía cạnh của mối quan hệ yêu đương, trong một số trường hợp, nó còn không được xét đến. Nhân tố quyết định mối quan hệ ấy có gắn kết và bền vững hay không phụ thuộc cốt yếu vào sự chia sẻ và nỗ lực, xuất phát bình đẳng từ cả hai phía chứ không liên quan đến giới tính. Điều tốt là có thể nhìn nhận những nhu cầu và mong muốn của bản thân nhưng hành động thế nào lại là lựa chọn và ý thức của một con người, tôn trọng người thân yêu và cũng là tôn trọng chính bản thân mình.
#GenderationVietnam #TuvaCommunication #OxfaminVietnam #EuropeanUnion #GenderEquality #YouthandGender #binhdanggioi #dinhkiengioi #EUfunded