Khi nhắc đến những vấn đề nghiêm trọng về tính dục và tình dục xảy ra trong xã hội Việt Nam, nhiều người trong chúng ta thường tự động nghĩ ngay tới những ngành nghề, môi trường liên quan trực tiếp hoặc nhiều đến yếu tố tính dục như phim ảnh, nghệ thuật…
Tuy nhiên, có một môi trường mà nhiều tội phạm đáng tiếc về tình dục đã xảy ra nhưng vẫn ít được chú tâm đến – môi trường giáo dục, nhà trường, nơi những lời nói tưởng chừng vô hại nhưng lại có hiểm họa ảnh hưởng tới tâm lý nhiều đối tượng.
Vốn dĩ, hình ảnh nhà trường hay được gắn với khuôn mẫu “trong sáng”. Nhưng một sự thật đáng buồn là trong những năm gần đây, các vụ việc về tính dục trong khuôn khổ nhà trường có xu hướng xuất hiện nhiều hơn, và làm gây chấn động cư dân mạng với những tình tiết không tưởng.
Từ những câu chuyện mang tính chất nhỏ lẻ như: những nữ sinh lớp 8, lớp 9 có thai ngoài ý muốn, bé gái bị sàm sỡ trong thang máy, hiệu trưởng xâm hại 9 nam sinh ở Phú Thọ phải lĩnh án 8 năm tù…
… Cho đến những con số biết nói phản ánh thực trạng chung: có khoảng 20% học sinh THPT đã từng trải nghiệm bị quấy rối tình dục học đường, và 25% học sinh báo cáo về những sự vụ không thoải mái về mặt tính dục dưới nhiều hình thức: bị bắt nạt, quấy rối trên mạng xã hội, liên tục bị gạ, cưỡng ép phải hẹn hò, bị gửi ảnh chế gợi dục.
Môi trường giáo dục đã trở thành môi trường bị tính dục hóa (sexualized) và có tỷ lệ quấy rối tình dục cao nhất.
(Đọc thêm tại đây).
Khi có một vấn đề xảy ra, việc tìm nguyên do thường là phản xạ đầu tiên. Giáo dục giới tính Việt Nam bị gọi tên là yếu tố chính dẫn tới sự không an toàn trong một môi trường đáng ra phải an toàn. Nhiều ý kiến từ phụ huynh và giáo viên cho rằng, việc giáo dục giới tính trong sách giáo khoa phổ thông hiện chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế.
Việc đưa giáo dục giới tính vào sách giáo khoa lớp 5 hay lớp 9 như hiện nay là tương đối muộn, nhất là trong bối cảnh trẻ em có xu hướng dậy thì sớm. Bên cạnh đó, nội dung vẫn còn quá nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cụ thể, cần thiết để bảo vệ mình.
Trong đó, yếu tố giao tiếp, ứng xử là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để bảo đảm một môi trường lành mạnh. Cùng tìm hiểu xem những câu nói, phát ngôn nào giáo viên và học sinh nên tránh dùng để giảm thiểu định kiến giới và nguy cơ quấy rối nhé!
Những lời nói mang tính “body shaming”
Việc miệt thị ngoại hình (body shaming) người khác và bản thân đã luôn là mối nguy hại tới sức khỏe tinh thần của các em học sinh, và với sự phát triển của mạng xã hội, tình trạng này lại dễ gặp hơn bao giờ hết.
Buông ra khỏi mồm những lời như “mày béo như lợn vậy”, “thằng này gầy như nghiện”, “mặt cậu mụn như thế thì sao mà đẹp được”, “xấu như mày có chó mới yêu” thì rất nhanh, nhưng những người này không biết rằng họ đã để lại những vết thương rỉ máu về lâu dài.
Một điều đáng buồn là ở phần lớn xã hội Việt Nam, những lời nói trên lại được coi là những câu bông đùa xã giao hàng ngày, mà chúng ta có thể bắt gặp tại nhà trường, trên những con phố mình thường đi qua, trong mỗi lần tụ họp họ hàng hay tại chính căn nhà nhỏ của mình.
Hậu quả rõ rệt nhất của hiện tượng đáng chê trách này là sự tự ti của những người hứng chịu body shaming, dần dần dẫn đến việc miệt thị ngoại hình của chính mình. Trầm trọng hơn là suy nghĩ về việc làm đẹp cực đoan, không lành mạnh như việc phẫu thuật thẩm mỹ ở cơ sở không uy tín, sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, theo đuổi chế độ ăn không phù hợp… Và cũng không thể không kể đến việc rối loạn tâm lý, rối loạn ăn uống đến từ việc bắt nạt vì ngoại hình nữa.
Chúng ta thường bày tỏ sự thương xót, tội nghiệp khi nghe thấy ai đó phải bộc bạch rằng “Một người xấu như mình mà cũng có người nói chuyện, người quý hay sao?”, nhưng liệu chừng đó đã đủ?
Khi học về phép so sánh, những phép so sánh về cân nặng, ngoại hình luôn là những ví dụ điển hình. Thay đổi cách giảng dạy, hướng đến những phép so sánh ít đụng chạm tới ngoại hình là một giải pháp. Nhưng ở một xã hội mà cái đẹp vẫn được đặt lên hàng đầu, có lẽ chúng ta nên bình thường hóa việc ai cũng đẹp theo cách của mình…
Những lời nói mang tính “slut shaming” hoặc quấy rối
Quấy rối có thể xảy ra với cả nam sinh lẫn nữ sinh, nhưng sỉ nhục dâm đãng (slut-shaming) lại chỉ nhắm đến học sinh nữ. Chắc hẳn chúng ta đều từng nghe đến những lời truyền tai “gái ban D drama lắm toàn phốt tiểu tam phốt cắm sừng thui”, “con này đi học thêm mặc như vầy hẳn là dòng thứ đĩ thõa”, “ở tuổi này đã đi giày gót nhọn chắc chắn là gái hư rồi”, “học không tử tế thì chỉ có nước đứng đường”…
Vụ việc xảy ra gần đây về những chia sẻ đầy bức xúc của cựu học sinh một trường cấp 2 khi bị cán bộ cấp cao trong trường nhục mạ rằng “mặc thế này bảo sao ra đường trai nó chẳng đè ra” chỉ vì mặc quần bó ống skinny, hay một bạn khác cũng bị người này gọi là “đĩ” vì mặc váy ngắn… đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng, đặc biệt là khi điều này xảy ra tại một ngôi trường khá danh giá, và vị cán bộ này cũng được tiết lộ có những quy định cấm đoán rất hà khắc, thiếu lương tâm.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Phụ nữ Đại học Mỹ, slut-shaming là một trong những hình thức quấy rối và bắt nạt tình dục phổ biến nhất mà học sinh trung học gặp phải. Không chỉ vậy, những quy định hà khắc về trang phục cũng góp phần cổ súy tư tưởng rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm nếu bị đàn ông quấy rối.
Ngược lại, cũng không ít trường hợp học sinh quấy rối giáo viên, cán bộ trong trường học. Chỉ vài tuần trước, việc du học sinh nam người Việt để lại bình luận chỉ đúng một từ “Ngon” dưới ảnh của cô giáo nhưng nhận một án phạt khổng lồ tới 10 triệu VND (500.000 won) với tội danh quấy rối tình dục là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng tấn công danh dự, hình ảnh người khác trong môi trường giáo dục, đặc biệt trên mạng xã hội.
Điều này đặt ra nhiều thắc mắc rằng, liệu Việt Nam có nên thực thi một quy chế tương tự, để trước hết ngăn chặn những lời bình phẩm tục tĩu, gây nguy hại tới sức khỏe tinh thần những người bị quấy rối bởi “slut-shaming”.
Những lời nói mang tính “gender assuming”, trầm trọng hóa định kiến giới
Đã bao giờ bạn đi trên đường, gặp một con ong hoặc ếch, và buột miệng “chú ếch, chú ong kìa!” không? Tại sao ngay từ cái nhìn đầu tiên chúng ta đã có thể gán cho những con vật đó một giới tính?
Tương tự, những tranh cãi về việc nữ tính hóa và nam tính hóa một sự việc, phẩm chất nào đó hay gán một giới tính nhất định cho một việc làm ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây, khi những vấn đề về giới tính được thảo luận cởi mở hơn.
Cộng đồng mạng đã có cơ hội để nhìn lại những câu nói có giá trị khá lâu dài trong văn hóa Việt Nam, nhưng lại không hoàn toàn có lợi cho vai trò giới và thể hiện giới. “Đàn ông ai lại khóc”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “thằng đàn bà” là những áp lực đè nặng tới cả hai giới, và có thể tạo nên những bất ổn trong mặt tâm lý của người bị hướng tới.
Một trường tiểu học tại Anh đã cấm sử dụng những từ phân biệt giới tính (sexist) như “man up” (đàn ông lên), “boys don’t cry” (con trai không khóc), “let’s go, guys” (từ guys hay bị cho rằng chỉ hướng đến nam giới) và “boys and girls”. Điều này phản ánh hai sự thật, thứ nhất là việc thay đổi nhận thức về khuôn mẫu giới cần được áp dụng ngay từ sớm.
Thứ hai, sự xuất hiện và nhận thức về phi nhị nguyên giới (non-binary) cũng đã phần nào cải thiện cách chúng ta nhìn nhận từ “giới”. Một Youtuber nổi tiếng, AjayII đã được người theo dõi khen ngợi nhờ việc thay đổi lời chào mở đầu mỗi video của mình, từ “What is going on dudes and dudettes?” sang “What is going on, dudes, dudettes and non-binaries?”. Sự tinh tế tưởng chừng nhỏ nhặt này đã đánh dấu sự công nhận cho một cộng đồng không hề nhỏ!
(So sánh 2 intros của Reactor AjayII:
https://www.youtube.com/watch?v=M0RsvOe7Hlg (hơn 2 năm trước)
https://www.youtube.com/watch?v=UXB7aWq7CQM (6 tháng trước) )