Khai giảng là thời điểm các bậc phụ huynh và các em học sinh phải đương đầu với những lo lắng về tiền bạc và các khoản thu từ phía nhà trường, đặc biệt khi gia đình có con em là nữ sinh.
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các bậc phụ huynh phải xử lý một danh sách dài bao gồm rất nhiều khoản chi cho các em. Chưa hết đau đầu vì tiền mua sách vở, đồng phục, học thêm… cho con, lại phải xoay xở đóng tiền điều hòa, máy chiếu, thậm chí sơn, sửa lớp học. Đối với các em nữ sinh, không chỉ đồng phục áo và quần, gia đình còn phải mua thêm váy và áo dài, cũng như có quy định về ngày nào mặc loại đồng phục nào trong tuần.
OẰN VAI HƠN KHI LÀ NỮ SINH
Số tiền để mua một bộ áo dài nữ sinh luôn cao hơn số tiền để mua một bộ đồng phục nam. Đó là chưa kể việc phải giữ gìn cũng tốn kém hơn, cộng thêm các phụ liệu đi cùng như áo lá, áo lót đặc biệt, quần chíp cùng màu và giày (cao gót) cũng khiến tổng giá thành đắt hơn.
Điều này có thể lấy việc đấu tranh vì đồng phục tại trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) thời gian trước làm ví dụ. Trong quy định đồng phục năm 2021 của THPT Bùi Thị Xuân, chúng ta dễ dàng thấy chi phí cho đồng phục của nữ sinh có thể gấp từ 2 đến 4 lần chi phí cho đồng phục nam. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi rằng tại sao nữ sinh lại phải chịu chi phí đồng phục cao như vậy?
Tuy sau những sự đấu tranh và lên tiếng từ phía học sinh và cộng đồng trường Bùi Thị Xuân đã có những thay đổi và chuyển biến trong quy định về đồng phục – rằng các em nữ sinh được CHỌN giữa đồng phục váy HOẶC quần; vẫn còn nhiều trường học khác trên địa bàn cả nước quy định đồng phục bắt buộc nữ sinh phải mua bao gồm cả váy và quần cũng như áo dài trong kỳ khai giảng năm học mới 2023.
ĐỒNG PHỤC CŨNG LÀ MỘT DẠNG THUẾ
Đây được gọi là thuế đàn bà hay thuế hồng (pink tax) – thuật ngữ chỉ về việc những đồ dùng của nữ giới thường có giá cao hơn nam giới chỉ vì có màu hồng, được gắn mác “dành cho nữ giới”. Ví dụ, dầu gội đầu chất lượng tương tự như nhau, đóng vào mẫu mã khác nhau và marketing là sản phẩm dành cho phụ nữ sẽ có giá cao hơn 13-48% so với sản phẩm cho nam giới. [1]
Không chỉ với những mặt hàng chất lượng giống nhau nhưng giá cao hơn vì dành cho phụ nữ, thuế đàn bà còn đại diện cho những khoản chi mà người tiêu dùng bắt buộc phải chi vì là phụ nữ. Ví dụ như băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san – mà trong trường hợp này là đồng phục váy và áo dài cho nữ sinh.
Số tiền phải chi trả cho đồng phục mà nữ sinh và gia đình phải bỏ ra hàng năm là nhiều hơn nam sinh. Và nếu không chi trả khoản phí bắt buộc này, không mua đồng phục hay tuân thủ quy định về việc mặc áo dài, liệu giải pháp duy nhất cho các em và gia đình là nghỉ học?
Mặt khác, khi đề cập tới việc nam sinh mặc áo dài đi học, nhiều người đã cho rằng điều này là tốn kém và không cần thiết, không phù hợp vì “nam sinh năng động hơn nữ sinh”, có nhu cầu thể dục thể thao và áo dài sẽ làm hạn chế và bất tiện trong những hoạt động này.
Không thể không nói, sự phân biệt đối xử này đánh thẳng vào hầu bao của phụ huynh học sinh, cũng như đẩy việc lưu giữ truyền thống dân tộc mà ta luôn tự hào thành một nhiệm vụ của chỉ nữ sinh và gia đình nữ sinh.
TẠM KẾT
Những khoản thu chi đầu năm học mới vẫn luôn là vấn đề nhức nhối mỗi năm. Đối với nữ sinh và gia đình, những khoản thu này còn nặng nề hơn vì những lý do kể trên.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã từng lên tiếng về việc này: “Đồng phục dù có điểm trừ, nhưng vẫn có điểm cộng. Dù có cả mặt mạnh mặt yếu, nhưng nó nhất định không thể bị thoái hóa, bị đánh tráo khái niệm để trở thành một công cụ tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt kỳ thị giới tính, càng không phải là một cái cớ để biến học sinh thành vật trang trí cho nhà trường, để ngắm cho đẹp, để tận thu, hoặc để thể hiện ý chí văn hóa chính trị của người lớn” [2].
Còn bạn? Bạn nghĩ sao về vấn đề nói trên? Dù là phụ huynh, học sinh, hay cựu học sinh, hãy cứ comment cho Genderation biết nhé!
Tài liệu tham khảo: