Nhận diện kỳ thị giới 101

Nhận diện kỳ thị giới 101

Nhận diện kỳ thị giới

“Em chỉ việc rửa bát, cả thế giới cứ để anh lo”, yêu thương hay kỳ thị giới?

Kỳ thị giới hay phân biệt giới (sexism) là những định kiến hay sự phân biệt đối xử dựa trên giới, giới tính của người khác [1]. Thuật ngữ này xuất hiện từ làn sóng nữ quyền thứ 2 (khoảng 1960s – 1980s) với các nghiên cứu tập trung vào đối tượng bị kỳ thị là nữ giới, nhưng hiện nay đã được sử dụng rộng rãi hơn cho tất cả giới khác, bao gồm cả nam giới, người liên giới tính và người chuyển giới.

Kỳ thị giới xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: lời nói, văn bản, hành động, hình ảnh, luật pháp, thực hành văn hóa,…

Kỳ thị giới có thể xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, từ hệ thống tổ chức chính trị, pháp luật, truyền thông tới trong quan hệ người với người khi ta đánh giá, phán xét người khác, hay với chính bản thân ta khi ép buộc mình vào một khuôn mẫu giới, cảm thấy xấu hổ thì không có phẩm chất nên có của giới tính mình sở hữu.

Xét về cách thức, kỳ thị giới có thể được chia thành 3 loại chính:
1 – Kỳ thị giới ác cảm / thù địch (hostile sexism)
2 – Kỳ thị giới thiện cảm (benevolent sexism)
3 – Kỳ thị giới nước đôi / lập lờ (ambivalent sexism)

KỲ THỊ GIỚI ÁC CẢM / THÙ ĐỊCH (HOSTILE SEXISM)

kỳ thị giới ác cảm

Kỳ thị giới ác cảm là những niềm tin, hành vi ác cảm, tiêu cực đối với một cộng đồng người dựa trên bản dạng giới hay giới tính của họ. Theo tờ Washington Post, kỳ thị giới ác cảm bắt nguồn từ niềm tin cho rằng phụ nữ muốn kiểm soát đàn ông, và khi phụ nữ được lợi thì đàn ông phải chịu thiệt [2], nam giới cần phải giữ ưu thế hơn bất kỳ giới tính nào khác. Ví dụ như họ cho rằng mọi con gái đều là kẻ đào mỏ, lười biếng, chỉ biết phụ thuộc tài chính vào đàn ông; phản đối đấu tranh cho bình đẳng giới, bình đẳng cho cộng đồng LGBTQIA+… Kỳ thị giới ác cảm xảy ra với cả những nam giới có biểu hiện “nữ tính” như thích mặc đồ sặc sỡ, trang điểm.

Theo một nghiên cứu năm 2019 về thái độ kỳ thị giới [3], kỳ thị giới ác cảm là một nguyên nhân rủi ro dẫn tới quấy rối tình dục và bạo lực giới. Nam giới kỳ thị giới ác cảm với phụ nữ, thường nhìn phụ nữ như những đồ vật tình dục, đồ vật để họ sở hữu, thao túng và duy trì quyền uy của mình [4]. Một khảo sát năm 2019 ở Indonesia cho thấy kỳ thị giới ác cảm có xu hướng ủng hộ việc đổ lỗi cho các nữ nạn nhân khi bị tấn công tình dục [5].

KỲ THỊ GIỚI THIỆN CẢM (BENEVOLENT SEXISM)

kỳ thị giới thiện cảm

Kỳ thị giới thiện cảm là thái độ, hành vi phân biệt đối xử với một người dường như tốt đẹp nhưng bản chất lại dựa trên những định kiến giới về họ. Kỳ thị giới tính thiện cảm ít biểu hiện rõ ràng và được xã hội chấp nhận, tán thành nhiều hơn. Nhưng về bản chất, kỳ thị giới thiện cảm vẫn coi những đặc điểm của giới này là thấp / yếu hơn giới kia, và vẫn có khả năng hạn chế quyền tự quyết hay khả năng lựa chọn của một người.

Ví dụ:

  • Phụ nữ sở hữu những phẩm chất và khả năng mà nam giới không có như nhạy cảm hơn, tinh tế hơn, ấm áp hơn, có gu thẩm mỹ hơn nhưng cũng mong manh, yếu đuối hơn.
  • Phụ nữ cần được đàn ông chăm lo, bảo vệ và gánh vác trách nhiệm tài chính, đổi lại, phụ nữ sẽ cần đóng vai trò bổ trợ, “đứng sau” chăm lo gia đình, tình cảm để đàn ông “thành công”, yên tâm hoàn thiện, phát huy năng lực tốt nhất của mình, trở thành thành viên tích cực trong xã hội [6].
  • Cho rằng con gái trưởng thành sớm hơn nên cần suy nghĩ thấu đáo hơn so với con trai cùng trang lứa.
  • Phụ nữ không nên làm mọi thứ một mình, cần có người khác giúp đỡ, ví dụ quản lý tiền bạc, lái xe.

Không chỉ nam giới mà nữ giới cũng có thể có kỳ thị giới thiện cảm với chính mình hay những người phụ nữ khác. Điều này thể hiện rõ ràng qua suy nghĩ, những lời dạy “chịu đựng, hi sinh” là đức tính cao đẹp của phụ nữ, chấp nhận việc mình đảm đương mọi việc nhà và chăm sóc con cái là hiển nhiên, “con gái không cần học cao, cốt hơn nhau ở tấm chồng”…

KỲ THỊ GIỚI NƯỚC ĐÔI / LẬP LỜ (AMBIVALENT SEXISM)

kỳ thị giới nước đôi

Đây là sự kết hợp của kỳ thị giới ác cảm và thiện cảm. Kỳ thị giới nước đôi là những định kiến, phân biệt đối xử với giới tình của nhóm người tùy vào trường hợp của mỗi cá nhân đó. Hai thái độ này không đối lập mà bổ sung cho nhau. Thái độ thiện cảm được dùng để bảo vệ cho phụ nữ, đổi lại những người phụ nữ phải chấp nhận khuôn mẫu, vị trí yếu thế hơn chủ thể kỳ thị áp đặt; thái độ thù địch thì hướng tới những người lệch khỏi các khuôn mẫu đã đặt ra. [7]

Ví dụ:

  • Phụ nữ có bản năng biết yêu thương, chăm sóc con cái. Cô A bạo hành con mình, cô A không phải “phụ nữ / một người mẹ” mà là đồ ma quỷ, súc vật.
  • Phân biệt phụ nữ “ngoan”, “hư” dựa vào cách ăn mặc, điệu bộ của họ.
  • Con gái nhất định phải mặc áo dài khi có dịp để giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, nếu không thì là tráo trở, vô ơn.

Tài liệu tham khảo:

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính