Gender non-conforming (tạm dịch: không theo tiêu chuẩn giới) là từ dùng để chỉ những cá nhân có sự thể hiện giới (gender expression) không tuân theo những kỳ vọng của xã hội và cộng đồng văn hóa gán cho giới tính sinh học của họ, theo tiêu chuẩn “nam tính”, “nữ tính” thông thường [1]. Ví dụ như một người sinh ra có bộ phận sinh dục đặc trưng của nam, nhưng thích sơn móng tay, trang điểm, may vá; một người có giới tính sinh học là nữ nhưng thích để tóc ngắn, chơi trò chơi mạo hiểm…
Gender non-conforming cũng dùng để chỉ những người có xu hướng đi ngược lại với các khuôn mẫu về vai trò giới (gender role) đã được hình thành từ lâu trong xã hội. Như nam giới có thể lựa chọn công việc nội trợ toàn thời gian, chăm sóc con cái và thể hiện sự yếu đuối của mình ra bên ngoài.
Những người không theo tiêu chuẩn giới không nhất thiết là người chuyển giới, người phi nhị nguyên giới. Đây là một số ví dụ không tuân theo tiêu chuẩn giới:
- Một người đàn ông khóc, bộc lộ sự yếu đuối của mình với người khác
- Một người phụ nữ mặc vest thay vì váy cưới trong lễ thành hôn
- Một người đàn ông sơn móng tay, trang điểm
- Một người phụ nữ đặt sự nghiệp của mình lên trên mục tiêu kết hôn hay làm mẹ
- Một người đàn ông cạo lông nách
- …
Khi đọc các ví dụ trên, có lẽ mỗi người chúng ta đều thấy có một ví dụ nào đó trùng hợp với bản thân (bởi thực tế, cực kỳ ít người cảm thấy thoải mái và đáp ứng được tất cả kỳ vọng giới của xã hội này). Vậy có phải tất cả mọi người đều không tuân theo tiêu chuẩn giới? Có cần phải dán nhãn “gender non-conforming” cho tất cả không?
Bản chất, thuật ngữ này được dành cho những cá nhân tự ý thức, có chủ đích (intention) hành động đi ngược lại với các chuẩn mực trên, coi việc đấu tranh với các chuẩn mực đó là một phần căn tính của mình [3]. Trong khi đó, một số việc không tuân theo tiêu chuẩn giới với người khác chỉ là một quyết định, một hành động thông thường.
Nhưng dù coi gender non-conforming như căn tính bản thân hay một hành động, Genderation cũng mong chúng ta sẽ luôn tôn trọng quan điểm, cách thể hiện bản thân của mỗi người. Nam tính, hay nữ tính cũng chỉ là cách xã hội đặt ánh mắt phán xét lên chúng ta, sao có thể bằng việc mình tự tính toán, xác định mình là ai, mình sống ra sao.