Quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều này đã được đề cập rõ trong Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát 1948. Tại Afghanistan, trẻ em gái và phụ nữ đang đứng trước nguy cơ bị tước bỏ quyền lợi được giáo dục chính đáng của họ, chỉ vì họ sinh ra là nữ giới.
Trước sự kiện mới nhất ở Afghanistan, Malala Yousafzai – nhà hoạt động xã hội người Pakistan sinh năm 1997 bày tỏ rằng cô vô cùng lo lắng cho phụ nữ, những người yếu thế, và những người ủng hộ nhân quyền ở Afghanistan sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát. Cô đã chia sẻ với BBC vào ngày thứ hai vừa qua rằng các quốc gia cần phải mở biên giới và hỗ trợ người tị nạn Afghanistan trong tình cảnh này. Malala còn gửi một bức thư cho thủ tướng Pakistan Imran Khan đề nghị ông cho phép người dân Afghanistan được tị nạn và đảm bảo sự an toàn, cũng như cung cấp giáo dục cho trẻ em tị nạn.
Là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhận giải Nobel Hòa Bình, khi chỉ mới 17 tuổi, Malala là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hoà bình và quyền được giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Hãy cùng Genderation tìm hiểu về cô gái đặc biệt này thông qua những tuyên ngôn truyền cảm hứng nổi tiếng của cô.
Malala sinh ra tại thành phố Mingora, Pakistan, nằm ở Thung lũng Swat. Trong những năm đầu đời, quê nhà của cô là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thường được tổ chức lễ hội mùa hè, thế nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Taliban cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực này.
Malala vốn theo học tại trường học do chính bố cô, nhà giáo dục Ziauddin Yousafzai, sáng lập nên tại Swat. Nhưng vào năm 2008, cô buộc phải rời khỏi Thung lũng Swat khi Taliban chiếm quyền kiểm soát khu vực, và khi đó phụ nữ đã bị cấm đến trường. Cũng vào cùng năm đó, Malala đã có một bài diễn thuyết tại Peshawar về tầm quan trọng của việc giáo dục của nữ giới. Tiêu đề của bài diễn thuyết là “Sao Taliban dám tước đi quyền được giáo dục của tôi?”.
Vào đầu năm 2009, khi mới 11 tuổi, Malala đã bắt đầu viết blog cho BBC về cuộc sống ở Pakistan khi mà trường học cho nữ giới bị đe dọa sẽ bị xóa sổ bởi Taliban. Ban đầu, để giấu đi danh tính thật sự, Malala sử dụng cái tên Gul Makai. Nhưng sau đó vào tháng 12 cùng năm, danh tính thật của cô được tiết lộ.
Với nền tảng công cộng mà cô có, Malala tiếp tục bày tỏ quan điểm về quyền của chính mình, cũng như quyền của tất cả phụ nữ, trong phạm trù giáo dục. Hoạt động xã hội của cô được đề cử cho Giải Hòa bình Trẻ em Quốc tế năm 2011. Cũng vào năm 2011, cô nhận được Giải thưởng Hòa bình trẻ quốc gia của Pakistan.
Vào tháng 10 năm 2012, khi Malala 15 tuổi, cô bị bắn vào đầu bởi một tay súng đeo mặt nạ của Taliban trên đường từ trường về nhà. May mắn là sau đó cô sống sót và vẫn kiên cường ủng hộ và hoạt động để đòi quyền được giáo dục cho phụ nữ.
Sau khi bị tấn công, Malala nói rằng: “Những kẻ khủng bố nghĩ rằng họ đã thay đổi được mục đích và khát vọng của chúng ta, nhưng chả có điều gì thay đổi trong đời tôi cả, chỉ trừ rằng: Sự yếu đối, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng đã chết đi. Còn sức mạnh và dũng khí được sinh ra.”
Nhà hoạt động xã hội trẻ này cũng nhấn mạnh về vấn đề mù chữ, nghèo đói, và khủng bố:
“Những kẻ cực đoan đã và đang run sợ trước sách vở và giấy bút. Sức mạnh của giáo dục khiến họ khiếp sợ, và họ sợ phụ nữ. Hãy để chúng tôi cầm sách vở và giấy bút lên. Đó là những vũ khí mạnh mẽ nhất.”
Năm 2013, Malala đã có một bài nói tại Liên Hợp Quốc và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, mang tên “I Am Malala”. Cuốn sách kể về việc thung lũng nơi cô ở đã bị Taliban xâm lược như thế nào, trường học cho nữ giới đã bị chúng phá hủy ra sao, và về nỗi sợ không nguôi về những đợt xả súng liên tục.
Năm 2014, Malala nhận giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17 và trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel.
Tài liệu tham khảo
Malala Yousafza calls on countries to open their borders to Afghan refugees