Tháng 8 quả là một tháng đáng nhớ với cộng đồng LGBTQIA+ trong lĩnh vực thể thao, với liên tiếp những cánh cửa mở ra, những cơ hội được nắm lấy và những cột mốc huy hoàng của các vận động viên tới từ cộng đồng sắc màu này.
TỪ KỲ OLYMPIC VỚI LƯỢNG VẬN ĐỘNG VIÊN LGBTQIA+ ĐẠT MỨC CAO NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN GIỜ VÀ NHỮNG THÀNH TỰU KHÓ AI CÓ THỂ SÁNH ĐƯỢC…
Vận động viên thuộc cộng đồng LGBTQIA+ đại diện cho quốc gia của cả năm châu lục và tranh đấu tại mọi hạng mục dự thi, và tổng thể đã đem về số huy chương nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tom Daley – vận động viên bơi nổi tiếng với việc sử dụng nền tảng của mình để truyền tải hình ảnh tích cực về cộng đồng LGBTQIA+ – là người duy nhất đạt 2 huy chương trong thế vận hội năm nay. Yulimar Rojas đến từ Venezuela đã phá kỷ lục 25 năm tại môn chạy ba bước nhảy xa. Cầu thủ Quinn ghi dấu ấn với một huy chương vàng cho Canada ở môn bóng đá nữ và là vận động viên phi nhị nguyên giới / chuyển giới đầu tiên giành được huy chương tại Olympics…
Và hàng loạt những vận động viên khác “động viên” tinh thần sống và chiến đấu của cộng đồng qua những bài phát biểu vang vọng âm hưởng tự hào sau khi đạt được huy chương, sau khi được chọn làm người mang cờ đại diện cho quốc gia…
… CHO ĐẾN NHỮNG LẦN ĐẦU TIÊN, NHỮNG KHOẢNH KHẮC LỊCH SỬ ĐẦY TRANH CÃI KHIẾN BÁO CHÍ TỐN KHÔNG ÍT GIẤY MỰC.
Nổi bật nhất trong số đó là sự kiện gây chấn động tại Thế Vận Hội Tokyo, khi cả thế giới chứng kiến sự tham gia đầu tiên của các vận động viên chuyển giới và phi nhị nguyên giới. Bên cạnh Quinn, vận động viên Laurel Hubbard đến từ New Zealand có lẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn cả, phần vì ngoại hình nổi bật của cô, và phần vì chính thức là vận động viên chuyển giới đầu tiên tranh đấu.
Tuy đã trải qua nhiều thủ tục và khâu xét nghiệm mức testosterone để “đạt chuẩn” và tham gia bộ môn cử tạ với tư cách là một động viên nữ, sự hiện diện mới lạ của Laurel lại đi kèm với khá nhiều chỉ trích ban đầu. Những người phản đối cho rằng thế cân bằng nữ – nữ thi đấu với nhau sẽ bị phá vỡ do sức mạnh cơ bắp của cô nói riêng và vận động viên nam chuyển giới nữ nói chung gần như không thay đổi, dẫn đến sự không công bằng cho vận động viên nữ hợp giới.
Không hề thua kém về số lượng là những người ủng hộ Laurel. Nhiều bạn trẻ, đa số là thành viên LGBTQIA+, nhìn thấy một con đường rộng mở hơn cho sự tham gia và đóng góp của cộng đồng tại các lĩnh vực đa dạng, nhất là trong thể thao – lĩnh vực mà sự phân biệt giới tính còn hiện hữu. Đồng thời, một nghiên cứu của Đại học Loughborough chỉ ra rằng đa số những vận động viên chuyển giới từ nam sang nữ không có lợi thế đáng kể về mặt thể chất so với những người khác. Trên thực tế, cũng chưa có vận động viên chuyển giới nữ nào nắm kỷ lục thế giới. Và một sự thật khác, Laurel cũng thi đấu tại hạng cân Siêu nặng cũng như không giành được huy chương nào trong Thế vận hội năm nay cả.
Chris Mosier, vận động viên 3 môn phối hợp nói: “Tôi mong muốn có sự khẳng định vị trí thể thao cho các VÐV chuyển giới, bởi đó là con người thật của họ và niềm tự hào khi được thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Vì vậy, tôi rất hào hứng, vui mừng khi thấy Quinn tự tin tại Thế vận hội Tokyo”.
TRANH CÃI VỀ TÍNH HỢP LÝ CỦA KHOA HỌC VÀ TIẾNG NÓI CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN TRONG CƠN BÃO DƯ LUẬN
Ngoài 2 phe phản đối – ủng hộ thông thường, vấn đề này lại một lần nữa dấy lên sự bất bình với quy chế kiểm tra giới tính của Thế vận hội. Dù đã thay đổi nhiều lần với phương châm đảm bảo tính trung thực và công bằng trong thể thao, những quy định ngặt nghèo về nồng độ testosterone không những gây bất lợi cho vận động viên nữ, đặc biệt là vận động viên chuyển giới nữ mà còn tạo nên những rào cản mang tính kỳ thị hay phân biệt chủng tộc. Rất nhiều vận động viên cùng với chuyên gia, tổ chức về thể thao, nhân quyền và khoa học đã yêu cầu một hệ thống kiểm nghiệm thỏa đáng hơn, thay vì một hệ thống đang “ép buộc, chèn ép hoặc gây áp lực phụ nữ và các vận động viên nữ phải trải qua các thủ tục y tế không cần thiết vì điều này là 1 sự sỉ nhục và thực sự có hại”, theo Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Tham gia thi đấu và đồng thời trở thành trung tâm của những cuộc bàn tán, mọi lời nói của Laurel đều có thể được đem đi mổ xẻ bởi cánh nhà báo. Hiểu rõ những tranh cãi vây quanh mình, vận động viên 43 tuổi này rất kín tiếng. Đoàn thể thao New Zealand cũng áp dụng chế độ che chắn tuyệt đối cho Hubbard trước truyền thông, suốt từ giai đoạn chuẩn bị để cô tập trung hoàn toàn vào việc thi đấu. “Tất cả những gì tôi có thể làm là tập trung vào nhiệm vụ của mình. Tôi hiểu rằng mình sẽ không nhận được sự ủng hộ của tất cả, nhưng hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn cởi mở”, Hubbard nói.
Tuy nhiên, khi trả lời báo giới, Hubbard bày tỏ thái độ lạc quan và niềm tự hào là vận động viên chuyển giới đầu tiên đủ điều kiện tham dự Thế vận hội. Nữ đô cử 43 tuổi cho biết: “Người chuyển giới cũng như bất kỳ một vận động viên nào khác, đều phải được đối xử bình đẳng. Chính vì vậy, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để thi đấu thành công ở Olympic Tokyo 2020”.
TIỂU KẾT VỀ CÂU CHUYỆN VẬN ĐỘNG VIÊN CHUYỂN GIỚI THI ĐẤU THỂ THAO
Không giành được bất kỳ thành tích nào, nhưng Laurel trở về với một vẻ ngoài đầy tích cực trước những lời tranh cãi xoay quanh sự hiện diện của cô. Sự hiện diện của cô, hay của Quinn và những vận động viên chuyển giới / liên giới / phi nhị nguyên giới khác đã là một chiến thắng đáng kể trong quá trình đấu tranh lâu dài để đảm bảo tinh thần thể thao cũng như quyền được tham gia và sự hiện diện của cộng đồng người chuyển / liên giới được đảm bảo.
Bạn cảm thấy thế nào về sự kiện đầy biến động này? Hãy để lại bình luận phía dưới và cho chúng mình biết suy nghĩ của bạn nhé!
P/S: “Bóc hành không cay mắt” là chuyên mục phân tích sâu một vấn đề nhức nhối, tạo không gian để thảo luận, nêu và tổng hợp quan điểm.
Tham khảo bài viết của Genderation Vietnam về thực trạng quy trình kiểm tra tư cách tham gia thi đấu thể thao gây bất lợi cho phụ nữ như nào: https://www.facebook.com/genderationvn/posts/112992764427199