Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà đều mong muốn được quây quần bên gia đình. Người tiêu dùng cũng tất bật mua sắm để chuẩn bị đón Tết. Đây là dịp để các nhãn hàng tung ra các TVC quảng cáo để thu hút vào tạo dấu ấn với người tiêu dùng.
Một tín hiệu đáng mừng ở các quảng cáo Tết năm nay là những góc nhìn về vai trò giới trong dịp Tết ngày càng được cải thiện.
Thông điệp xuyên suốt thường thấy trong các quảng cáo Tết gói gọn ở bốn chữ “Về nhà ăn Tết” với nhân vật chính thường là những người con, người cháu ở xa quê. Không có sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng nhân vật nam và nữ trong các quảng cáo, mà tất cả đều có sự hiện diện một cách đồng đều. Ngoài ra, khi xét đến yếu tố đa dạng trong việc khắc họa nhân vật, hầu hết các quảng cáo đều khá “trung tính” khi không có sự rập khuôn nam tính, nữ tính truyền thống mà cho các nhân vật có sự xuất hiện đa dạng trong tạo hình.
Điển hình có thể kế đến một số quảng cáo ấn tượng như TVC “Thấy Kinh Đô là thấy Tết” của thương hiệu Kinh Đô khi khắc họa hình ảnh một cô bé khiếm thị vẫn có thể cảm nhận không khí ngày Tết theo cách của riêng mình qua các giác quan. Hay phim ngắn “Người giữ nếp nhà 2” của Yến Sào Thiên Việt khai thác câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa người bố nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương và một cô con gái mong muốn “tiếp bước” bố với nghề mộc – một nghề thường được xem là “không dành cho phụ nữ”.
Tuy nhiên, vẫn có sự phân biệt ngầm khi phân chia theo mặt hàng: Trong các quảng cáo đồ uống có cồn, hình ảnh nhân vật nam thường xuyên xuất hiện hơn. Còn trong các quảng cáo về sản phẩm xà phòng và chất tẩy rửa, người nữ lại được đặt làm trung tâm. Có thể lấy ví dụ điển hình ở “Áo xuân tươi màu, disco xin vía” của Comfort hay “San việc nhà, sẻ yêu thương” của Ariel, nơi các công việc nội trợ như nấu ăn, giặt giũ vẫn được “mặc định” là của phụ nữ. Trong khi đó, ở quảng cáo Bia 333 hay Bia Bivina, hình ảnh những người tiêu thụ đều là người đàn ông theo khuôn mẫu tính nam truyền thống.
Ngày nay, không ai còn có thể phủ nhận sức ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông – quảng cáo đối với suy nghĩ và hành vi của con người. Một đoạn quảng cáo hay có thể giúp gia tăng vị thế và doanh thu của nhãn hàng một cách nhanh chóng, nhưng cũng có thể góp phần củng cố những thiên kiến và khuôn mẫu có hại về giới trong xã hội. Bởi vậy, những người làm quảng cáo cũng cần phải có trách nhiệm nâng cao độ nhạy cảm giới để thực sự trở thành “đồng minh” của các phong trào bình đẳng giới và mục tiêu xóa bỏ định kiến giới trong xã hội.
Nguồn tham khảo:
– Nghía Quảng Cáo: TVC Tết Quý Mão (P1) – Sum vầy với năng lượng tươi trẻ thay vì khai thác những nốt “trầm”? | Brands Vietnam
https://www.brandsvietnam.com/…/329235-Nghia-Quang-Cao…
– Nghía Quảng Cáo: TVC Tết Quý Mão (P2) – “Lách tất tả”, đón lộc cho một năm thuận buồm xuôi gió | Brands Vietnam
https://www.brandsvietnam.com/…/329426-Nghia-Quang-Cao…
– Nghía Quảng Cáo: TVC Tết Quý Mão (P3) – Muôn kiểu ăn Tết của thương hiệu Việt | Brands Vietnam