Nếu bạn mặc quần cạp trễ với áo croptop thì babytee thì hẳn bạn là người theo đuổi phong cách Y2K?
Nếu bạn được truyền cảm hứng bởi cuộc sống đồng quê, yêu thích hoạt tiết hoa lá hoặc kẻ ô với những tone màu nhạt và sáng thì phong cách của bạn là cottage-core?
…
Thời gian gần đây, rất nhiều trào lưu mới về thẩm mỹ và làm đẹp xuất hiện và phổ biến với cộng đồng gen Z. Một vài trend “làm mưa làm gió” có thể kể đến là: Y2K, clean girl, that girl, tomato girl, VSCO girl, e-girl, softgirl, barbiecore, cottagecore, fairycore, angelcore,…
Nhiều tranh cãi đã diễn ra xoay quanh việc có quá nhiều trào lưu mới và kì lạ ra đời. Nhiều quan điểm cho rằng những trào lưu này giúp cho các xu hướng thời trang trở nên dễ tiếp cận hơn, phong cách cá nhân và sự biểu đạt bản thân cũng trở nên cởi mở và đa dạng hơn. Tuy nhiên cũng có những ý kiến đặt câu hỏi về ý nghĩa của xu hướng này và những giá trị nó mang lại.
QUÁ TẢI XU HƯỚNG THẨM MỸ
Khái niệm “aesthetic” (tạm dịch: thẩm mỹ) bắt nguồn từ thế kỷ 18 và lần đầu tiên được nhà triết học người Đức Alexander Baumgarten sử dụng để mô tả “nhận thức về cái đẹp” của mỗi người [1]. Aesthetic “bùng nổ” thành một phong trào hiện đại vào những năm 2010 nhờ vào dòng nhạc Vaporwave và các mạng xã hội hình ảnh như Pinterest, Tumblr…
Cùng với sự phát triển của TikTok, ngày càng nhiều các trào lưu aesthetic được “sống dậy” hoặc ra đời trên nền tảng này. Đối với những người trẻ gen Z, sở hữu aesthetic của riêng mình là một cách xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả, thể hiện qua cách lựa chọn quần áo, nội thất, sở thích, cách làm việc…
Xu hướng đặt tên và phân loại (label) cho mọi thứ, dù đó là danh tính, kiểu cơ thể, hay gu thẩm mỹ… có vẻ như đã trở thành một phần trong văn hóa của những người trẻ. Có quan điểm cho rằng ở giai đoạn xã hội cởi mở như hiện tại, bất cứ thứ gì phổ biến một cách mơ hồ đều cần được giải mã, đơn giản hóa và cuối cùng trở thành một thương hiệu có thể bán được cho đại chúng với những mặt hàng đặc trưng [2]. Các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, đưa những thứ này đến với các nhóm đối tượng nhất định và tiềm năng thông qua hệ thống thuật toán, từ đó phổ biến các ý tưởng và tạo ra “trend”.
Những thảo luận xoay quanh chủ đề này so sánh các xu hướng aesthetic này với các tiểu văn hóa tồn tại trong thời đại trước. Subculture – tiểu văn hóa hay còn được gọi là văn hóa nhóm – hiểu đơn giản là nhóm người với những mối quan tâm, niềm tin và thực hành chung. Các phong cách như gothic, grunge, punk, emo… là những tiểu văn hóa hình thành vào những thập niên cuối thế kỷ 20, đóng vai trò rất lớn trong hình thành bản sắc và danh tính các cộng đồng.
Khác với tiểu văn hóa, các trào lưu hiện tại được phát triển từ một vài biểu hiện bên ngoài, không đặc trưng và không thực sự được kết nối bởi một niềm tin chung nổi bật. Tuy nhiên, chúng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng: được khai thác, thúc đẩy và thương mại hóa. Đó cũng là một trong những lí do mà ngày nay có vô số kiểu aesthetic được tạo ra, nhưng đồng thời chỉ dừng lại ở mức những trào lưu ngắn hạn. [3]
CÁI GÌ NHIỀU QUÁ CŨNG KHÔNG TỐT?
Đa số các các trào lưu aesthetics trên mạng xã hội được tạo ra hướng đến nữ giới. Điều này có thể hiểu được vì phụ nữ là đối tượng chủ yếu trong các xu hướng làm đẹp và thời trang, là khách hàng lớn nhất của các nhãn hàng; tuy nhiên đây cũng là một điểm đáng lưu ý [4]
Những cô gái trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ, khao khát bản sắc cá nhân và cảm giác thuộc về một cộng đồng. Khao khát đó được nắm bắt và chuyển hóa thành thôi thúc tiêu dùng. Họ được khuyến khích chi tiền để sở hữu một diện mạo hoặc danh tính nhất định, để được chấp nhận bởi một cộng đồng và khỏa lấp nỗi bất an của bản thân. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mạng xã hội đến mối quan hệ giữa con người với nhau, cách nhìn nhận bản thân cũng như cách xây dựng danh tính cá nhân và danh tính cộng đồng. [5]
Về mặt tích cực, những xu hướng này chủ yếu phần nào truyền tải ý tưởng trân trọng bản thân và tôn vinh các giá trị của tính nữ [6]. Mặt khác, nhiều quan điểm cho rằng khi những thực hành này trở thành trào lưu thì chúng mang tính hình thức hơn là thực chất. Nhiều người cho rằng xu hướng này đã rơi vào cái bẫy của việc phân loại, đặt tên và xếp mọi người vào những chiếc hộp danh tính: nơi bạn nếu thức dậy vào 7 giờ sáng, uống sinh tố, ăn salad và tập yoga, mặc một bộ đồ đẹp với tone màu pastel, viết nhật ký vào một cuốn sổ xinh xắn,.. thì bạn là một trong những “that girl” chính hiệu.
Không chỉ vậy, những nhãn hiệu này truyền tải nhiều ý tưởng củng cố những cái nhìn tiêu cực về phụ nữ. Ví dụ như “girl dinner” lãng mạn hóa một bữa ăn lười biếng và thiếu dinh dưỡng, củng cố định kiến con gái thì kén ăn hay chỉ ăn khẩu phần nhỏ, hay “girl math” ngụ ý rằng phụ nữ đưa ra những quyết định tài chính sai lầm và thiếu logic. [7]
Hình mẫu “nàng thơ” mà những xu hướng này đưa ra cũng củng cố tiêu chuẩn và khuôn mẫu về người phụ nữ lý tưởng: cô ấy thường xuất hiện với làn da không tì vết, thân hình mảnh mai, mọi thứ cô ấy làm đều có thể trông thật lãng mạn giống như một cảnh phim mà không cần phải cố… Đây là một sự khắc họa thiếu thực tế bởi ngay cả những video TikTok trông có vẻ ngẫu nhiên nhất lại có thể là một sự sắp xếp vô cùng tỉ mỉ.
TẠM KẾT
Không có gì sai khi ta tham gia vào một xu hướng aesthetic, hay là lấy cảm hứng từ nhiều trào lưu khác nhau, điều đó rất thú vị và mới mẻ. Tuy nhiên khi cảm giác bị phụ thuộc và áp lực cần phải chạy theo các xu hướng hình thành, xu hướng này lại trở thành vấn đề đáng quan ngại. Thời trang giúp chúng ta thỏa mãn mong muốn được thể hiện của bản thân mình. Cá tính của một người là thứ tạo nên thời trang của họ, chứ đừng để quần áo định hình con người bạn!