Năm nay kỷ niệm năm thứ 19 Ngày Phòng chống tự tử trên toàn thế giới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Phòng chống tự tử thế giới (International Association for Suicide Prevention – IASP) sáng lập, là dịp để toàn thế giới hành động để phòng chống hành vi tự sát và nâng cao nhận thức về nguyên nhân và tác hại của hành vi tự tử.
Những suy nghĩ, mong muốn tự tử xuất phát từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu bắt đầu bằng từ “áp lực” hoặc “rối loạn tâm lý”, trong đó chứng trầm cảm đang ngày gia tăng, đặc biệt là tại giới trẻ, cũng là một gốc rễ thường gặp. “Nguyên nhân người bệnh tự sát thường xuất phát từ sức ép tâm lý và họ không được giúp đỡ, kết nối, giải tỏa; đến một mức nào đó những áp lực tâm lý vượt quá mức chịu đựng nên họ muốn kết thúc.” – Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang chia sẻ
Ở giới trẻ, cụ thể là lứa tuổi đến trường, hiện tượng bắt nạt, bạo lực học đường luôn là chủ đề nóng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự tiếp xúc sớm với không gian mạng của các em học sinh cũng có những hậu quả khôn lường:
Theo những chuyên gia đến từ Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cứ 10 học sinh thì có 3 em bị bắt nạt qua mạng, dẫn đến tâm lý căng thẳng, thậm chí tự tử. Một nghiên cứu khác của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy 21% thanh thiếu niên tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng tại VN, 75% không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Xét về xu hướng tính dục, những người trong cộng đồng LGBTQIA+ có tỷ lệ tự tử cao hơn bất kỳ người của những cộng đồng khác với cùng độ tuổi. Những rủi ro tinh thần và những áp lực đời sống họ phải chịu cao hơn rất nhiều với những cộng đồng khác, và một sự thật đáng buồn là hầu hết những gánh nặng tâm trí đó đến từ gia đình và đồng nghiệp.
Từ sự chối bỏ, không được nhìn nhận với bản dạng thật của mình cho đến sự cô lập, bắt nạt không ngừng nghỉ. Điều này dẫn đến rất nhiều chứng bệnh tâm lý, bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, sử dụng quá liều thuốc an thần…
Một sự thật khác mà chúng ta nên biết là, những vấn đề về tâm lý có thể can thiệp được, và nên can thiệp ngay từ sớm. Trong đó, chữa trị, ủng hộ, công nhận và thấu hiểu nỗi đau của người có suy nghĩ, mong muốn tự tử là những điều cốt lõi.
Vậy, nếu bác sĩ tâm lý quá xa xỉ, hay việc tiếp cận tới những biện pháp khác bị cản trở bởi tình hình bệnh dịch, hãy cùng Genderation Vietnam điểm qua những “vị cứu tinh” trên mạng này nhé!
Những đường dây nóng hỗ trợ tư vấn tâm lý, phòng chống tự tử
ĐƯỜNG DÂY NÓNG “NGÀY MAI”: https://duongdaynongngaymai.vn/ (0963061414)
Dự án phi lợi nhuận này là một sáng kiến cộng đồng được một nhóm tình nguyện, do Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng sáng lập, nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, dự án mong sẽ trợ giúp cho những cá nhân đang trong khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là người đang mắc chứng trầm cảm.
Với đội ngũ hơn 40 người, trong đó có nhiều chuyên gia cố vấn chuyên môn, tập huấn nội bộ về sức khỏe tâm lý và tình nguyện viên trực điện thoại, tới hết tháng 5 năm 2021, dự án đã đạt được những con số đáng nể phục: 192 giờ trực, 148 cuộc gọi với 2130 phút trao đổi
Slogan “Gọi điện nhé, Ngày Mai lắng nghe.” và phương châm “Ở đây chúng tôi lắng nghe và không phán xét những câu chuyện cá nhân.”, đường dây nóng Ngày Mai là nguồn năng lượng sống tích cực cho những người đang chìm trong mảng tối của tâm hồn tại Việt Nam.
Ở nước ngoài, vấn đề phòng ngừa và trị liệu tâm lý cũng là mối quan tâm hàng đầu, và đặc biệt có rất nhiều đường dây dành riêng cho người thuộc cộng đồng LGBTIAQ+, các bạn có thể tham khảo một vài tại đây:
http://fenwayhealth.org/care/wellness-resources/help-lines
Dự án, chương trình về sức khỏe tinh thần
DỰ ÁN “MIND CARE CONNECTION – TRẠM NGHỈ CHO TÂM HỒN”
https://www.facebook.com/mindcareconnection/
“Nơi để bạn được lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện chưa được nói, những vướng mắc trong tâm hồn cần được soi sáng” là nội dung bạn có thể tìm thấy khi lướt vào trang này, và không chỉ vậy bạn sẽ tìm được thêm cả một hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần khác như Tham vấn trị liệu tâm lý MindCare và MindCare – Tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân gia đình
Tại đây khán giả có thể gửi đến những tâm tư, trăn trở của bản thân với chuyên mục Lumus Box confession, có thể tham gia sự kiện “Tham Vấn Tâm Lý, Trả Phí Tùy Tâm” đầy ý nghĩa được tổ chức đều đặn mỗi tháng
TRUNG TÂM JEFFERSON: https://www.jcmh.org/vi/about-us/ (303-425-0300)
Với khẩu hiệu “with you in mind” (tạm dịch: bạn được quan tâm), trung tâm Jefferson mang trong mình tầm nhìn kiến thiết nên “Một cộng đồng nơi mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các vấn đề và chăm sóc sức khỏe tâm thần.”
Trung tâm có nhiều báo cáo về nhiều chủ đề liên quan tới sức khỏe tinh thần, trong đó có phòng chống tự tử. Ngoài ra trung tâm cũng tổ chức nhiều lớp học và sự kiện để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần…
Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cũng đã từng thực hiện một khảo sát về sức khỏe tinh thần học đường, bạn có thể xem chi tiết ở đây:
https://www.maihuong.gov.vn/vi/quan-he-quoc-te/91-chuong-trinh-suc-khoe-tam-than-hoc-duong-.html
Ngoài ra cũng có những dự án mang ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng LGBTQIA+ mà người thông thạo tiếng Anh có thể tìm đến, bao gồm:
Dự án TREVOR được thành lập từ năm 1988 bởi tác giả tạo nên bộ phim ngắn đạt giải thưởng hàn lâm cùng tên, cung cấp dịch vụ can thiệp vào khủng hoảng tâm lý và phòng ngừa tự tử cho người thuộc cộng đồng LGBTIAQ+ dưới 25 tuổi: https://www.thetrevorproject.org/
Dự án phi lợi nhuận IT GETS BETTER mang trong mình sứ mệnh ủng hộ tinh thần và kết nối người thuộc cộng đồng LGBTIAQ+: https://itgetsbetter.org
Dự án “Family Acceptance” – sự chấp thuận của gia đình với hơn 19 năm thay đổi và cứu những cuộc đời của trẻ em, thanh niên LGBTIAQ+ không được đón nhận bởi ba mẹ: https://familyproject.sfsu.edu/