ALMOND MOM – MẸ “HẠNH NHÂN” THÌ CON… HẠNH PHÚC?

ALMOND MOM – MẸ “HẠNH NHÂN” THÌ CON… HẠNH PHÚC?

Trong những tập của chương trình The Tonight Show Starring Jimmy Fallon với khách mời là Gigi Hadid, host Jimmy Fallon luôn có một “truyền thống” độc đáo là mời cô nàng siêu mẫu cùng thưởng thức những chiếc bánh mì kẹp thịt đầy hấp dẫn. Màn tương tác dễ thương này đã khiến khán giả cảm thấy thích thú, không chỉ vậy, câu chuyện đằng sau cũng gây xúc động và ấn tượng không kém. 🍔

Gigi và Bella Hadid, cặp chị em siêu mẫu được săn đón nhất thế giới từng nhiều lần chia sẻ về chứng rối loạn ăn uống và những vấn đề tiêu cực với cơ thể mà họ đối mặt khi lớn lên trong ngành công nghiệp thời trang, với một bà mẹ nghiêm khắc. Cựu người mẫu Yolanda Hadid, mẹ của Gigi và Bella, nổi tiếng là kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn kiêng của các con gái từ khi họ còn là những thiếu nữ. Yolanda từng phản đối Gigi chơi bóng chuyền vì cho rằng đó là môn thể thao “nam tính”, làm cho thân hình “to lớn”, “đồ sộ” và sẽ khiến cô ăn “như đàn ông” [1]. 🥸

“Tôi muốn con gái mình phát triển như một người phụ nữ” – Yolanda nói. Trong đoạn video được ghi hình vào ngày sinh nhật Gigi, khi cô ấy bày tỏ sự thích thú với đồ ăn, Yolanda đã nói rằng cô chỉ có thể có một đêm để ăn thứ mà mình muốn và ngay sau đó phải “ăn kiêng trở lại”. 🤕

Chính vì vậy, nhiều khán giả cho rằng hành động của Jimmy trong show thực tế của anh ấy là một sự quan tâm cảm động, giúp Gigi có thể thoải mái ăn món mà cô ấy thích. ❤️‍🩹

Nói về cách nuôi dưỡng của Yolanda Hadid, nhiều người cảm thấy quan ngại và khó tin khi một người mẹ có thể làm thế với con mình. Song TikTok đã chứng minh trải nghiệm này có tính phổ biến đến mức bất ngờ. Một đoạn cắt trong show truyền hình thực tế “Những bà nội trợ thực sự của Beverly Hills” năm 2012 được “đào” lại. Gigi lúc đó 17 tuổi từng gọi điện cho mẹ để nói rằng cô cảm thấy không khỏe. Yolanda đã bảo con gái “hãy ăn một vài quả hạnh nhân và nhai chúng thật kỹ”. Sự viral của đoạn clip này đã tạo ra một trào lưu phổ biến: “the almond mom” – “bà mẹ hạnh nhân”.

Hôm nay hãy cùng Genderation tìm hiểu xu hướng này, cùng những ý nghĩa và ảnh hưởng của nó nhé!

👉 “ALMOND MOM” LÀ GÌ?

Thuật ngữ “almond mom” (tạm dịch: mẹ hạnh nhân) thực ra được sử dụng lần đầu tiên bởi tác giả Rebecca Walker trong cuốn tiểu thuyết “To Be Real: Telling the Truth and Change the Face of Feminism” (2005). Trong đó, “almond moms” được mô tả là những người phụ nữ “cống hiến hết mình để chăm sóc con cái và cho cả sự nghiệp của họ” [2].

Ngày nay, khái niệm này được phổ biến trên mạng xã hội với một ý nghĩa mới. Nó được dùng để chỉ những bà mẹ áp đặt quan điểm “nhìn qua có vẻ là lành mạnh nhưng thực chất thì không” lên con cái của họ. Hashtag #almondmom thu hút gần 200 triệu lượt xem trên TikTok, chủ yếu là những video mà ở đó, các thiếu niên bắt chước hành động của các “bà mẹ hạnh nhân” một cách hài hước và mỉa mai.

Các “bà mẹ hạnh nhân” được cho là theo đuổi “văn hóa ăn kiêng” và lý tưởng về một vóc dáng gầy gò. Họ kiểm soát một cách thái quá về cân nặng của con mình, hạn chế lượng thực phẩm mà con ăn hay bắt con tập thể dục quá mức. Chẳng hạn, nếu con đói và muốn ăn gì đó, “mẹ hạnh nhân” sẽ nói: “Con thực sự đói à, hay con chỉ đang buồn mồm thôi?”

Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow đã từng nhận về nhiều phản ứng dữ dội và bị chỉ trích là “trùm cuối của các almond mom” sau khi chia sẻ về thói quen ăn uống và tập thể dục của mình. Cô chỉ chủ yếu chỉ hấp thu cà phê, nước hầm xương và rau củ, kết hợp với các bài tập “hỗ trợ detox” khá nặng đô.

Thực tế có một vài phương pháp ăn kiêng khá hiệu quả, ví dụ như nhịn ăn gián đoạn: không chỉ giúp giảm cân mà còn mang lại những lợi ích khác như cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, những chế độ ăn của “almond mom” thường bị cho là vô lý và đôi khi cực đoan. Hành vi này có thể khiến con cái cảm thấy mình không được yêu thương và không xứng đáng được yêu thương. Hơn nữa chúng còn có thể trở nên ám ảnh với thức ăn hay tệ hơn, là mắc chứng rối loạn ăn uống. Hậu quả có thể kéo dài đến khi đứa trẻ trưởng thành, trở thành một người lớn thậm chí không muốn cố gắng để được khỏe mạnh. Đây có vẻ là một hiệu ứng ngược khi mục đích của những “almond mom” là muốn con mình ăn uống điều độ và có được thân hình cân đối.

👉 “ALMOND MOM” NÓI GÌ VỀ TIÊU CHUẨN ĐỘC HẠI VỚI NỮ GIỚI?

Mặc dù xu hướng “almond mom” phổ biến hơn ở các nước phương Tây, những “bà mẹ hạnh nhân” châu Á đa số có cách chăm con đối lập. Họ thường ép con cái phải ăn nhiều hơn, nhiều khi là quá mức cần thiết. Đó có thể là một cách thể hiện tình yêu của họ, hoặc cũng có thể do những trải nghiệm không tích cực đến từ tuổi thơ thiếu thốn. Nhìn chung, việc kiểm soát chế độ ăn uống một cách thái quá sẽ có khả năng ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ của trẻ với thức ăn.

Điều quan trọng cần lưu ý là bất kỳ người chăm sóc nào cũng có thể trở thành “almond parent” nếu có hành vi tương tự. Sự phổ biến vượt bậc của cụm từ “almond mom” đã phần nào cho thấy áp lực của công việc chăm sóc lên mẹ và phụ nữ nói chung. Những trọng trách từ nuôi dưỡng, dạy bảo con cái cho đến chuẩn bị bữa ăn thường được gán chủ yếu cho nữ giới. Không chỉ vậy, các bà mẹ cũng thường rơi vào khuôn mẫu truyền thống của xã hội, rằng họ phải trở thành một phụ huynh hoàn hảo và có trách nhiệm.

Ở bối cảnh nước Mỹ, nơi người dân tiêu thụ lượng lớn đồ ăn nhanh và bệnh béo phì khá phổ biến thì việc phụ huynh kiểm soát chế độ ăn của gia đình là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên hơn thế nữa thì có nhiều ý kiến cho rằng: hiện tượng “almond mom” có thể coi là một sản phẩm phụ của những tổn thương thế hệ do “văn hóa ăn kiêng” độc hại gây ra [3]. Giai đoạn thập niên 80-90 đã để lại ảnh hưởng lớn đối với phụ nữ Mỹ. Trào lưu “heroin chic” với tiêu chuẩn “một cơ thể đẹp là một cơ thể siêu gầy” cùng xu hướng “high carb, low fat” trở thành một sự ám ảnh đối với nữ giới, dưới danh nghĩa mối quan tâm về sức khỏe.

Vì vậy, đây rất có thể là một vòng lặp khi những bất an về cơ thể của thế hệ trước được truyền lại cho thế hệ sau, khi đối tượng chủ yếu bị ảnh hưởng là các bà mẹ và những cô con gái, thông qua môi trường gia đình độc hại. Dù vậy, những thảo luận về “almond mom” thời gian này cũng mang lại hy vọng về việc gen Z có thể chấm dứt vòng lặp bằng thái độ cởi mở với các loại cơ thể cũng như tiêu chuẩn về sắc đẹp và sự khỏe mạnh.

#GenderationVietnam#TuvaCommunication#OxfaminVietnam#EuropeanUnion#GenderEquality#YouthandGender#binhdanggioi#dinhkiengioi#EUfunded

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính