“Làm gì có tình yêu mà không có tình dục”
Người vô tính: “Chắc tụi tui tàng hình..”
Theo định nghĩa của giáo sư Anthony Bogaert, Đại học Brock (Canada), người vô tính (asexual – ace) có rất ít hoặc hoàn toàn không có cảm giác hấp dẫn tình dục, không cảm thấy có nhu cầu và ham muốn quan hệ tình dục với người khác [1]. Đây là một trong những xu hướng tính dục thuộc phạm trù LGBTQ+ nhưng ít phổ biến hơn và ít được biết đến hơn.
Theo nhiều nghiên cứu, số phần trăm người vô tính trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay [2]. Nhưng những số liệu này cũng chỉ là con số ước chừng vì còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp đo lường, chẳng hạn như nhiều người thậm chí không nhận biết được bản thân là người vô tính.
Đây là một phần lý do có rất ít nghiên cứu khoa học bàn luận về các vấn đề xoay quanh những người thuộc cộng đồng này, cũng như sự thiếu hụt hình ảnh đại diện (media representation) của họ trên truyền thông đại chúng. Xu hướng này gây ra nhiều thiên kiến, hiểu lầm và thậm chí là kỳ thị với người thuộc cộng đồng.
Nhân “pờ-rai măng”, cùng Genderation “mổ xẻ” một số quan niệm (social norms) chúng mình thường thấy về người vô tính nhé!
Người vô tính (asexual) giống như cỗ máy không có cảm xúc?
Người vô tính thì.. Vô cảm?? SAI. Người vô tính mặc dù không bị người khác hấp dẫn về mặt tình dục nhưng họ vẫn có thể phát triển hấp dẫn về mặt cảm xúc, tình cảm. Nhiều người vô tính không độc thân, họ vẫn yêu đương, kết hôn, có con, chỉ là không hứng thú với tình dục.
Có thể lấy Sheldon từ Big Bang Theory làm một ví dụ. Mặc dù anh không công khai là người vô tính nhưng khán giả có thể ngầm hiểu điều này qua cách suy nghĩ và cư xử của anh. Sheldon nhiều lần khẳng định bản thân “không có bất kỳ hấp dẫn nào về tình dục với người khác”, thậm chí anh luôn chủ động tránh né các tương tác tình cảm với mọi người xung quanh (đặc biệt là người khác giới). Dù vậy, sự có mặt của nhân vật Amy đã thay đổi (ít nhiều) suy nghĩ này, dù họ vẫn kết hôn và chung sống với nhau ở cuối phim, nhiều người cho rằng anh thực ra là demisexual (á tính) [3].
Nhân vật Florence trong Sex Education (mùa 2) là một trong những đại diện tiêu biểu của cộng đồng asexual. Lấy bối cảnh là một bộ phim giáo dục giới tính, đi học ở một ngôi trường chứa đầy thanh thiếu niên đang trong độ tuổi hứng tình, tất cả bạn bè xung quanh đều bàn về “sex” thì sự có mặt của Florence giống như một làn gió mới. Rất may cuối cùng cô đã gặp được Jean, một sex therapist (nhà trị liệu tư vấn tình dục) thứ thiệt, và nhận ra cô là asexual chứ không hề bị “hỏng”: “Sex doesn’t make us whole, how can you be broken?”
Người vô tính không thuộc cộng đồng LGBTQ+?
Nghiên cứu năm 2015 về người vô tính của Dominique A. Canning, Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy người vô tính vẫn bị chính cộng đồng không công nhận [4]. Nghiên cứu cho thấy họ thường bị người trong cộng đồng “phủ nhận sự tồn tại”, bị dè bỉu là không biết yêu, không thích kết hôn, “a dua” theo LGBT nên tự dán nhãn như thế…
Ý kiến khác cho rằng một số người sử dụng nhãn hiệu vô tính (label) để che giấu cho sự “bất lực” và “lãnh cảm”, họ bị cho là “kiếm cớ” để chọn lối sống độc thân. Tờ báo American Psychological Journal thậm chí cho rằng đây là một trong các hiện tượng bệnh lý, có thể được chẩn đoán và chữa trị nhờ các phương pháp trị liệu tâm lý [5].
Một số người cố gắng để giải thích họ chỉ muốn một mối tình yêu đương không có tình dục, nhưng thường nhận lại được sự chỉ trích, thậm chí là bị quấy rối. Điển hình có thể kể đến vụ việc tiktoker L.C lên tiếng “mỉa mai” cô gái trên kênh Phim Siêu Ngắn tháng trước. Cô chia sẻ về mong muốn tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương mà không có quan hệ thể xác, trong khi L.C cho rằng cô nên “thử đi khéo nghiện, tinh hoa nhân loại không biết hưởng thì chỉ có hại..”
Lối quan niệm này trở nên phổ biến phần lớn do quan niệm từ xưa đến nay rằng “tình dục là một phần của sự sống, là bản năng của con người”. Quan niệm này đặc biệt được công nhận bởi phần đông mọi người thuộc các phổ giới, “ai không thích có lẽ là không bình thường”.
Đây chính là nguồn gốc của câu nói phổ biến những người vô tính thường phải (nổi da gà) lắng nghe: “Chẳng qua cậu chưa tìm được người thích hợp thôi!”
Sự hiện diện “méo mó” của người vô tính trên truyền thông
Bàn luận về các vấn đề này, nhà văn Nick Herrgott từng chia sẻ trên một tập trong series podcast Gays Behaving Badly rằng xu hướng tình dục hóa (sexualize) và lãng mạn hóa (romanticize) mọi thứ một phần được thúc đẩy bởi truyền thông đại chúng [6]. Ví dụ như chỉ cần “để” hai nhân vật chính (thường là nam-nữ) gần nhau trong một bộ phim thì họ sẽ “auto” “đổ” nhau, từ đó gián tiếp “bài trừ” những cá nhân chọn lối sống độc thân hoặc thuộc cộng đồng asexual.
Mặt khác, những nỗ lực khắc họa cộng đồng asexual trên phim ảnh đôi khi chưa thật sự toàn diện (inclusive), thậm chí chúng ta thấy rất nhiều biểu hiện gắn liền và trùng lặp đặc điểm của người vô tính với một số norms (định kiến) về họ như máu lạnh, nghiêm túc, khác biệt. Chẳng hạn như nhân vật viễn tưởng (người ngoài hành tinh, rô-bốt,..), như Star Trek (Data), Frozen (Elsa) hay thậm chí là người có biểu hiện tự kỷ, IQ cao bất thường (Sheldon, Sherlock Homes..).
Về lâu dài, các cách khắc họa này sẽ càng khiến cho người vô tính trở nên xa cách với cộng đồng, vô tình tạo ra những lằn ranh giữa họ và “người bình thường” theo định kiến xã hội, gây ra những trở ngại rất lớn trong hành trình tìm kiếm, định nghĩa, và thừa nhận xu hướng tính dục của người trong cộng đồng.
#GenderationVietnam#TuvaCommunication#OxfaminVietnam#EuropeanUnion#GenderEquality#YouthandGender#binhdanggioi#dinhkiengioi#EUfunded
_____________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://www.modernintimacy.com/asexuality-exploring-the…/
[2] https://www.medicalnewstoday.com/articles/327272
[3] https://bigbangtheory.fandom.com/wiki/Sheldon_Cooper
[4] https://vnexpress.net/goc-khuat-nguoi-vo-tinh-4380827.html