Ngày quốc tế đàn ông – 19/11 – là ngày hôm nay. Và nhân ngày này, chúng ta cần phải thừa nhận một điều rằng nam giới cũng là nạn nhân của bất bình đẳng giới và định kiến giới.
THỦ PHẠM THẬT SỰ CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG LÀ KHUÔN MẪU
Định kiến giới là thứ không chừa một giới nào ở thời điểm hiện tại. Khi nói đến định kiến giới và bất bình đẳng giới, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một cán cân, sẽ ắt có một bên nặng hơn và có một bên nhẹ hơn. Một bên được hưởng lợi sung sướng và bên còn lại thì thiệt thòi đau khổ. Vì thế dường như đàn ông và phụ nữ bị chia thành hai phe đối đầu nhau. Mỗi khi nói về bất bình đẳng, mỗi bên lại bức xúc kể xem bên mình khổ thế nào, đang chịu bất công ra sao, và đổ lỗi cho bên còn lại. Nhưng thực tế lại không như vậy. Thứ mà cả đàn ông và phụ nữ cần “chiến đấu” không phải là với nhau mà là khuôn mẫu giới, là định kiến giới. Đó là thứ định hình và bó buộc lấy mỗi giới. Mỗi giới đều đang phải chiến đấu với khuôn mẫu giới của chính giới đó.
NAM GIỚI LÀ NẠN NHÂN CỦA NHỮNG KHUÔN MẪU NÀO?
Có thể dễ nhìn thấy những những khuôn mẫu phổ biến đang bó buộc phụ nữ như là trách nhiệm nội trợ, sự kỳ vọng cần cư xử dịu dàng, bị động, yếu đuối, nhẫn nhịn, hay hy sinh cho gia đình. Vậy còn nam giới thì sao? Họ đang phải gồng mình chịu những gì? Đó là kỳ vọng phải là người kiếm ra tiền nuôi cả gia đình, phải mạnh mẽ trơ lì, phải làm lãnh đạo, phải có quan hệ rộng, phải có khả năng tình dục cao, phải biết uống rượu bia. Những khuôn mẫu đó đã đem lại những hậu quả có thật. Đó là sức ép khiến nam giới phải gồng mình tỏ ra mạnh mẽ chai lì trước cả người thân lẫn người ngoài khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, không dám chia sẻ những khó khăn và cảm xúc tiêu cực của mình với người thân, khiến suy giảm sức khỏe tâm thần, từ đó ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất một cách âm thầm. Trước đây, khảo sát quốc gia năm 2010 về thanh thiếu niên và thanh niên Việt Nam, 4,1% thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-25 đã từng nghĩ về việc tự tử [1]. Còn trong khảo sát kéo dài 18 năm từ năm 2000 đến 2018 của World Bank về tỉ lệ tự tử ở Việt Nam, tỷ lệ tự tử ở nam giới cao hơn ở nữ giới ở tất cả các năm. Số liệu gần nhất vào năm 2018 cho thấy nam giới có tỉ lệ tự tử là 10.4% còn nữ giới là 4.7% [2]. Và khi đối mặt với sức ép và sự căng thẳng, nam giới Việt thường có những hành vi gây tổn hại đến bản thân mình: Lạm dụng rượu bia, hút thuốc, cờ bạc, ẩu đả, ma túy. Hai hành vi phổ biến nhất là hút thuốc (67.7% nam giới từng hút thuốc) và lạm dụng rượu bia (58.2% nam giới từng uống rượu đến mức say xỉn) nghiên cứu của ISDS – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội [3].
Kể cả khi không tự nguyện thực hiện những hành vi tổn hại đó, nam giới còn có sức ép phải thực hiện những hành vi đó từ khuôn mẫu của xã hội. Đó là sức ép khiến nam giới phải tham gia vào những cuộc “sát phạt” trên bàn nhậu vì sợ làm mất lòng người khác, vì sợ bị nhìn nhận là yếu đuối. Và hậu quả là tai nạn giao thông và mất đi sức khỏe thể chất từ khi còn trẻ. Khi từ chối tham gia những hành vi có hại cho bản thân như là ma túy, rượu bia, ẩu đả, thì lại lại phải đối mặt với nguy cơ bị đánh giá là hèn nhát kém cỏi. Cứ hai người thực hiện hành vi nguy cơ “uống rượu bia” thì một người cho biết đã bị ép uống. Lý do chính được đưa ra phải uống là “sợ làm cho mọi người không vui” (73,62%) và “sợ mất các mối quan hệ” (26,60%) [4]. Điều này không khác gì bệnh thành tích, khi phải hy sinh những điều không đáng, làm những thứ không thực chất, chỉ để đổi lấy danh hiệu “đàn ông mẫu mực”, “đàn ông chuẩn men”. Cái danh hiệu đó đã dần được xã hội và thế giới đổi tên nó thành “nam tính độc hại” – một cái tên phù hợp và nói lên đúng bản chất của nó hơn. Trong những năm gần đây, cụm từ “nam tính độc hại” hay “toxic masculinity” đã dần trở nên phổ biến và chiếm sóng trên truyền thông nhiều hơn. Và đó cũng là chủ đề của tập talk show thứ 4 trong series “Bóc hành không cay mắt” của Genderation, sẽ được diễn ra vào thứ bảy tuần tới (27/11/2021). Trong tập tới, chúng ta sẽ cùng nhìn lại xem điện ảnh và văn học Việt Nam đã và đang khắc họa nam giới như thế nào. Với việc khắc họa đó, liệu có khuôn mẫu nào về năm giới đang được củng cố. Và cuối cùng là với người xem, chúng ta cần trang bị những kiến thức gì, với tâm thế thế nào, khi tiếp cận những tác phẩm điện ảnh, văn học đó.
CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP NAM GIỚI?
Để dần phá bỏ những khuôn mẫu này, hãy cho những người thân, người thương là nam giới của bạn biết rằng thứ quan trọng nhất là sự khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tâm thần và sự hạnh phúc của chính họ, chứ không phải việc hoàn thành một cái checklist những điều phải làm nếu là nam giới, được truyền tụng vô tội vạ ngoài xã hội. Nam giới cần được biết họ không có vấn đề gì bất thường nếu họ có mong muốn được nương tựa, cảm thấy mỏng manh, hay nếu họ có lúc cảm thấy hoảng loạn và muốn bật khóc. Cũng hoàn toàn ổn nếu có lúc họ cảm thấy không ổn. Nam giới cần hiểu rằng họ không có vấn đề gì khi họ cần người chia sẻ, có mong muốn bày tỏ, bộc lộ, và nói về cảm xúc của họ, hoặc cần tham vấn tâm lý. Tất cả những chuẩn mực hiện được coi là “nam tính” cũng chỉ là kết quả của những mô hình kinh tế, những chuyển biến về văn hóa và tư tưởng trong lịch sử loài người, và sẽ còn thay đổi theo thời gian, theo địa lý, theo văn hóa từng nơi chứ không phải một thứ bất di bất dịch không thể phá vỡ. Vì vậy hãy ngừng kỳ vọng những người thân người thương là nam giới của mình phải hoàn thành cái checklist “nam tính độc hại” đó.
Tham khảo:
[1] https://www.unicef.org/vietnam/media/1021/file/T%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20v%E1%BA%A5n%20%C4%91%E1%BB%81%20t%E1%BB%AD%20t%E1%BB%AD.pdf
[2] https://www.macrotrends.net/countries/VNM/vietnam/suicide-rate
[3] https://isds.org.vn/en/an-pham/men-and-masculinities-in-a-globalising-viet-nam/
[4] https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Ganh-nang-nam-tinh-tren-vai-nguoi-dan-ong-Viet-25436