#MỞ_KHÓA_TỪ: ALPHA MALE

#MỞ_KHÓA_TỪ: ALPHA MALE

image 18

Những tin tức về Andrew Tate trong thời gian gần đây đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. Cùng với đó, thuật ngữ “alpha male” ngày càng được sử dụng rộng rãi trên mạng internet với nhiều sắc thái nghĩa khác nhau. Vậy alpha male là gì? Nguồn gốc của thuật ngữ từ đâu này và cách nó đang được sử dụng trong văn hóa đại chúng ra sao? Hãy cũng tìm hiểu với Genderation qua bài viết này.

ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC CỦA ALPHA MALE

Trong văn hóa đại chúng, “alpha male” được sử dụng để chỉ những người đàn ông có xu hướng nam tính bá quyền: mạnh mẽ, thành đạt, hấp dẫn về mặt tình dục. Để tô mạnh thêm tính thống trị của alpha male, thuật ngữ “beta male” được sinh ra để chỉ những người đàn ông yếu đuối, dễ bị quy phục, thiếu nam tính [1].

Cả hai từ này đều có nguồn gốc từ những thuật ngữ sinh học được sử dụng trong các nghiên cứu về động vật từ trước những năm 90. Trong đó “alpha male” được coi là con đực đầu đàn, có xu hướng sử dụng bạo lực để thống trị, và có quyền giao phối với các con cái cũng như quyền kiểm soát nguồn thức ăn trong bầy. Còn “beta male” có thể được gọi là con phó đàn, cũng có các quyền gần giống với con đầu đàn nhưng thường bị hạn chế hơn và phải được sự cho phép của con đầu đàn.

“Alpha male” và “beta male” nổi bật xuất hiện trong các quyển sách “The Wolf” (1970) của David Mech viết về sói, và “Chimpanzee Politics: Power and Sex Among Apes” (1982) của Frans de Waal viết về tinh tinh. Trong đó, de Waal cho rằng những nghiên cứu về tinh tinh của ông cũng có thể được áp dụng trong tương tác giữa con người. Tuy nhiên phải đến năm 2005 khi Neil Strauss cho ra mắt quyển sách “The Game” viết về cách chinh phục phụ nữ thì thuật ngữ “alpha male” mới được phổ biến một cách rộng rãi trong văn hóa đại chúng [2].

HÌNH TƯỢNG ALPHA MALE TRONG VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG

Cả hai thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong các cộng đồng dành cho nam giới trên mạng internet có xu hướng cực đoan (manosphere). Trong đó “alpha male” được coi là hình mẫu đàn ông lý tưởng, là tấm gương cho mọi thành viên noi theo và mơ ước được trở thành. Còn “beta male” chỉ là một sự thất bại, một người tầm thường, chỉ ở đó để làm nền và tô đậm cho alpha male mạnh mẽ nam tính.

Sự ám ảnh với hình tượng alpha male, song song với việc coi khinh beta male của các nhóm nam giới kể trên là một biểu hiện của mong muốn níu kéo thứ nam tính bá quyền trước những thay đổi của xã hội và cách nhìn nhận của con người về giới. Điều này có thể trở nên vô cùng độc hại bởi bên cạnh sự coi thường đối với nữ giới và các hình tượng nam giới “lệch chuẩn”, việc quá gò ép bản thân để trở thành “alpha male” cũng có thể gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chính những người đàn ông này.

Trong thời gian gần đây, bản thân thuật ngữ “alpha male” cũng mất dần sắc thái nghĩa ban đầu của nó, mà dần trở thành một từ tiêu cực mang tính móc mỉa, chỉ những người đàn ông gia trưởng và có xu hướng nam tính độc hại, áp đặt quy chuẩn về giới lên người khác. Sự biến chuyển về mặt ngôn ngữ này cũng có thể là một biểu hiện đáng lưu tâm về cách mà các tương tác xã hội giữa các nhóm khác nhau có thể làm thay đổi sắc thái nghĩa của một thuật ngữ đáng lưu tâm trong các vấn đề giới.

Nguồn tham khảo:

[1] Bóc Term: Alpha Male – Là đàn ông phải thế? | Vietcetera

https://vietcetera.com/vn/alpha-male-la-gi

[2] Alpha Male Có Thật Không? Giả Sử Có Thật, Thì Có Đáng Theo Đuổi Không? | Monster Box

https://mbpedia.com/…/alpha-male-co-that-khong-gia-su…

Gợi ý bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Vì sao Genderation Vietnam ra đời?

Vai trò giới không còn là gánh nặng của bất cứ Năng lực lãnh đạo không phụ thuộc vào giới tính Sự phù hợp với nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính